Lý do bất ngờ khiến tượng binh mã trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng đều không đội mũ sắt

Nhắc tới tượng binh mã, nhiều người sẽ nhớ ngay tới những bức tượng được tìm thấy bên trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những bức tượng binh mã nơi đây mặc dù đã bị mai một theo năm tháng, thế nhưng kết cấu cũng như hình dạng về cơ bản vẫn được bảo toàn tương đối hoàn hảo.

Tuy nhiên điều khiến nhiều người thắc mắc lại nằm ở chỗ: Những bức tượng này dù có nhiều điểm khác nhau tuy nhiên đều có một điểm chung dễ nhận thấy, đó là không được trang bị mũ sắt.

Không ít chuyên gia đã khẳng định, tượng binh mã trong lăng Tần Thủy Hoàng được tạo tác dựa trên nguyên mẫu người thật.

Vậy thì việc tượng không có mũ sắt cũng tương đương với việc binh lính nước Tần năm xưa ra trận mà không có món đồ bảo vệ này. Liệu rằng phía sau điều đó có ẩn chứa bí mật gì hay không?

Những loại mũ kỳ lạ của các bức tượng bên trong lăng Tần Thủy Hoàng: Đều không phải mũ sắt bảo hộ


Người nước Tần vốn nổi tiếng với tinh thần thượng võ. (Ảnh minh họa).

Theo Qulishi, nếu nhìn vào những hình ảnh tại các khu khai quật hay các hình ảnh được công khai trên các phương diện truyền thông đại chúng, không khó để nhận thấy các bức tượng binh mã trong lăng Tần Thủy Hoàng đều không được trang bị mũ sắt.

Trên thực tế, một số ít trong đó có đội loại mũ tròn với kích thước tương đối nhỏ. Các chuyên gia khảo cổ giải thích rằng đây là một loại khăn che đầu được làm từ vải bố tương đối phổ biến thời bấy giờ.

Ngoài ra, một số bức tượng của các tướng lĩnh cấp cao hơn sẽ được đội loại mũ được làm từ da trâu, còn đa số các binh sĩ thông thường đều chỉ cuốn tóc thành búi ở trên đầu mà thôi.

Thế nhưng bất luận là tướng lĩnh hay binh sĩ, những bức tượng được tìm thấy trong các đường hầm binh mã tại lăng Tần Thủy Hoàng đều không đội mũ sắt.

Phải chăng đó là biểu hiện của việc thiếu quân phí trong việc trang bị cho quân đội hay việc thiếu thốn nguyên liệu trong quá trình tạo tác các bức tượng này?

Hé lộ 2 nguyên nhân chủ đạo lý giải vì sao tượng binh mã trong lăng Tần Thủy Hoàng đều không đội mũ sắt

Theo giải thích của chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi (Trung Quốc), nguyên nhân chủ yếu khiến các bức tượng binh mã trong lăng Tần Thủy Hoàng không được trang bị mũ sắt nằm ở chỗ: Người nước Tần vốn nổi tiếng với tinh thần thượng võ.


Binh sĩ nước tần căn bản không quan tâm tới vấn đề sinh tử. (Ảnh minh họa).

Tư Mã Thiên trong "Sử ký" từng viết: "Tần, đới giáp bách vạn", nghĩa là nước Tần có quân đội lên tới cả triệu người có khoác khôi giáp.

Thế nhưng theo lý giải của các chuyên gia, khôi giáp ở đây là chỉ những bộ giáp mặc trên người chứ không bao gồm mũ sắt để bảo vệ phần đầu.

Mỗi nhóm binh chủng khác nhau sẽ được trang bị các loại khôi giáp khác nhau. Vào thời bấy giờ, các trang bị này cũng chỉ được làm từ da động vật.

Một nhà tư tưởng lớn thời Chiến quốc là Hàn Phi Tử cũng từng ghi lại cảm nhận về lần đầu tiên tiếp xúc với người Tần trong một danh tác của mình.

Ông nói rằng người nước Tần mỗi khi nghe tới việc đánh trận thì liền dậm chân, vội vã và hăm hở như thể không đợi được, căn bản không quan tâm tới vấn đề sinh tử.

Tương truyền rằng, quân lính nước này mỗi khi ra trận đều để đầu trần, anh dũng xông lên phía trước, nếu so sánh quân đội 6 nước với quân Tần thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Bọn họ tay trái nắm đầu người, tay phải bắt tù binh, không ngừng đuổi giết đối thủ của mình…

Không chỉ dừng lại ở đó, "Sử ký" của Tư Mã Thiên cũng từng miêu tả: Trên chiến trường, quân Tần vậy mà lại để mình trần, ngay tới khôi giáp cũng cởi bỏ.

Việc không đội mũ sắt hay cởi bỏ áo giáp trên chiến trường cũng được xem là một cách để áp đảo khí thế quân địch khi ra trận.

Đây được xem là một trong những biểu hiện rõ nhất về tinh thần thượng võ của người nước Tần. Vì thế, việc những binh sĩ nước Tần không đội mũ giáp khi ra trận cũng là điều rất có cơ sở.

Một nguyên nhân khác liên quan tới việc quân Tần không đội mũ giáp khi ra trận còn xuất phát từ động cơ chiến đấu của họ.

Theo Qulishi, sở dĩ binh tướng nước Tần anh dũng giết giặc trên chiến trường mà không màng tới sinh tử của bản thân là có liên quan tới chế độ luận công ban thưởng thời bấy giờ.

Theo đó, mỗi binh sĩ nước này chỉ cần lấy được 1 thủ cấp của quân địch là có thể thăng 1 cấp tước vị, đi kèm với đó là những phần thưởng về đất đai và nô bộc.

Như vậy một khi lấy được càng nhiều thủ cấp, cơ hội thăng quan tiến chức với những binh lính này sẽ càng cao.

Không dừng lại ở đó, công trạng của một người còn có thể liên quan tới vinh nhục cũng như tính mạng của các thành viên khác trong gia tộc.

Ví dụ như đối với một người lính lấy được 2 thủ cấp của quân địch, nếu có cha mẹ là phạm nhân thì họ sẽ lập tức được phóng thích. Trong trường hợp vợ của người này có xuất thân là nô lệ thì cũng sẽ được trở thành dân thường.

Không chỉ vậy, công trạng chiến đấu còn có thể được truyền lại cho đời sau. Cụ thể, nếu gia đình nào có cha chết trận, công lao của đời cha sẽ được truyền lại cho đời con.

Điều này đồng nghĩa với việc ở nước Tần thời bấy giờ, một người lập công thì cả nhà sẽ được hưởng lộc.

Vì thế có thể nói, gia phong tấn tước chính là động lực chủ yếu để binh sĩ Tần quốc anh dũng giết giặc trên chiến trường mà không màng tới sinh tử.

Và theo sử liệu ghi lại, cho tới thời điểm thống nhất 6 nước, số lượng những người vong mạng dưới tay đội quân nước này ước chừng lên tới con số… 160 vạn.

Từ những minh chứng trên đây, có thể thấy với một đội quân thượng võ và anh dũng như quân Tần, việc đội mũ sắt để bảo vệ bản thân khi ra chiến trường dường như là điều không cần thiết.

Bởi trong mắt họ, việc giết địch lập công nhiều khi còn được đặt trên cả sinh tử của bản thân mình.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất