Mạng chậm do sự cố đứt cáp quang AAG lần thứ 3
Hôm 26/5 là lần thứ 3 trong năm 2015 bị đứt cáp quang AAG, theo khuyến cáo của nhà mạng, người dùng chỉ nên sử dụng internet kết nối đi quốc tế cho các dịch vụ quan trọng để tối ưu hóa dung lượng truyền tải.
- Tìm hiểu nguyên nhân khiến cáp quang "hơi tí" là đứt
- Mẹo tăng tốc độ duyệt web trong khi chờ sửa cáp quang
Sự cố đứt cáp quang AAG lần thứ 3
Theo thông tin mới nhất về sự cố đứt cáp quang AAG lần thứ 3 trong năm 2015, lúc 18h20 ngày 26/5, Ban điều hành tuyến cáp quang biển AAG cho biết, tín hiệu mạng đã có trở lại, vài tiếng sau khi một nhà cung cấp trong nước thông báo sự cố.
Ban điều hành tuyến cáp quang biển AAG thông báo, kênh truyền đã hoạt động bình thường trở lại. Đơn vị này chưa cho biết nguyên nhân cụ thể, nhưng sự cố lần này có thể không phải do đứt cáp. Ông Lâm Quốc Cường, giám đốc VNPT-I cũng xác nhận sự cố chiều 26/5 do tín hiệu chập chờn. Các nhà mạng trong nước đang liên hệ với các đối tác để kiểm tra lại hệ thống.
Giám đốc VNPT-I phủ nhận sự cố đứt cáp quang AAG lần thứ 3 trong năm 2015
Trước đó, giám đốc một nhà cung cấp mạng trong nước cho biết, cáp quang AAG đứt lúc 16h30. Vị trí điểm đứt chưa được xác định rõ. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước liên lạc với ban điều hành tuyến AAG để khắc phục sự cố.
Hiện tại, vị trí đứt cáp quang biển AAG chưa được xác định. Đây là lần thứ 3 trong năm 2015, tuyến cáp quang biển này bị đứt. Trong tháng 4, tuyến cáp AAG đoạn rẽ vào vùng biển Việt Nam cũng bị đứt và sự cố chỉ mới được khắc phục cách đây hai tuần.
Việt Nam có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2009, có chiều dài hơn 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt 2 terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, có dung lượng truyền tải lớn nhất; còn các tuyến SE-ME-WE-3, TVH có dung lượng thấp và đã được sử dụng 10 - 15 năm nay. Tuyến cáp IA tuy mới được xây dựng nhưng dung lượng không bằng AAG.
Đứt cáp quang AAG tiếp tục gây ảnh hưởng đến việc kết nối giữa khu vực Đông Nam Á với Mỹ
FPT Telecom khuyến cáo, người dùng chỉ nên sử dụng Internet kết nối đi quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, các dịch vụ khác nên chuyển sang các trang trong nước để tối ưu hóa dung lượng truyền tải. Trước đó, vào ngày 23/4 qua, tuyến cáp quang AAG cũng bị đứt dẫn tới lưu lượng Internet đi quốc tế bị ảnh hưởng hơn 2 tuần.
Nguyên nhân được xác định do phân đoạn cáp SH1 từ TPHCM đi Hồng Kông bị đứt, gây ảnh hưởng đến toàn bộ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên tuyến cáp này. Sự cố lần trước khiến lưu lượng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đang khai thác trên tuyến AAG đều bị ảnh hưởng, trong đó có FPT Telecom. Đến tận rạng sáng 12/5, sự cố đứt tuyến cáp quang biển AAG mới được khắc phục xong. Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần sau sự cố lần trước, cáp quang biển AAG lại đứt.
Theo thống kê từ các nhà cung cấp mạng, kể từ khi được chính thức đưa vào hoạt động cho đến nay, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần bị đứt, gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cung cấp dịch vụ của các nhà mạng tới khách hàng.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, tuyến cáp AAG cũng đã 2 lần bị đứt vào tháng 7 và 9. Trong năm 2015, ở lần đứt cáp vào ngày 5/1, việc sửa chữa mất 3 tuần. Tuyến cáp quang AAG kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Điểm cập bờ ở Việt Nam là ở Vũng Tàu.
Ngoài khả năng kết nối Đông Nam Á với Mỹ, AAG còn có thể kết nối đến Australia, Ấn Độ, châu Âu và châu Phi thông qua điểm cập bờ của hệ thống. Tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều sử dụng tuyến cáp quan trọng này để kết nối với quốc tế.