Mật ong được tạo ra như thế nào?
Đây quả thật là một câu hỏi thú vị. Khi nói về loài ong thì chúng ta thường hay nhắc đến những chú ong mật. Con người đã sử dụng mật ong cũng như khai thác khả năng thụ phấn của loài ong từ hàng nghìn năm nay.
Vậy thì những chú ong tạo ra mật như thế nào? Điều thú vị là mật được tạo ra nhờ kỹ năng làm việc nhóm và có tổ chức của loài ong.
Những chú ong bận rộn
Chắc hẳn bạn đã biết nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên thứ mật ong thơm lừng chính là những bông hoa.
Một đàn ong có thể ghé thăm đến 50 triệu bông hoa mỗi ngày và mỗi đàn như vậy có thể có đến 60 nghìn chú ong. Chính vì thế trông những chú ong lúc nào cũng rất tất bật là vậy đấy!
Ong mật làm việc theo nhóm và chúng cùng đưa ra quyết định xem những bông hoa thơm nhất nằm ở đâu. Những chú ong mật giao tiếp với nhau bằng những cú chạm, âm thanh và cả những điệu nhảy được biết đến với cái tên waggle.
Chú ong đang biểu diễn điệu nhảy waggle.
Từng chú ong trong đàn đều có nhiệm vụ riêng của chúng, nó sẽ phụ thuộc vào tuổi của từng cá thể. Để làm ra mật ong, ong thợ phải bay đến 5km để tìm những bông hoa và lấy mật hoa. Thông thường, chúng sẽ ghé thăm từ 50 đến 100 bông hoa mỗi chuyến.
Mật hoa là nguyên liệu chính tạo nên mật ong và cũng là nguồn năng lượng chính của loài côn trùng này. Chúng sử dụng một cái lưỡi dài giống như ông hút, gọi là proboscis, để hút những giọt mật từ một cơ quan đặc biệt trên những bông hoa được gọi là tuyến mật.
Khi mật hoa vào đến dạ dày của ong, dịch dạ dày sẽ phá vỡ cấu trúc của các loại đường phức hợp tạo thành những loại đường đơn giản hơn, ít bị kết tinh hơn và trở nên lỏng hơn. Quá trình này được gọi là "đường nghịch đảo".
Khi những chú ong mật quay trở lại tổ của mình, chúng sẽ chuyển mật hoa cho những chú ong nhỏ tuổi hơn, được gọi là ong nhà (khoảng 12 đến 17 ngày tuổi).
Những chú ong nhà sẽ đem số mật hoa này vào bên trong tổ và cho vào những ô chứa hình lục giác được gọi là sáp ong. Sau đó, những chú ong nhà sẽ biến mật hoa thành mật ong bằng cách sấy khô mật hoa bằng gió ấm tạo ra bằng cánh của chúng.
Ong mật đang dùng sáp ong đậy kín các ô chứa mật. (Ảnh: Cooper Schouten).
Sau khi mật hoa đã khô và trở thành mật ong, những chú ong nhà tiếp tục sử dụng sáp ong tươi đóng kín các ô chứa mật lại, giống như chúng ta sử dụng nắp đậy cho hũ thủy tinh vậy. Vào mùa đông, khi những bông hoa đã tàn và không còn nhiều mật hoa, những chú ong sẽ mở hũ mật ra và chia cho nhau.
Mật ong: loại thực phẩm phù hợp cho tất cả
Vì mật hoa có nguồn gốc từ những bông hoa, vì thế có đến hàng trăm loại mật ong khác nhau về màu sắc, mùi thơm và cả hương vị. Thậm chí, một số loại mật ong còn được sử dụng làm thuốc.
Ngoài ra, loài ong không chỉ thu thập mật hoa để làm mật ong. Khi ghé thăm những bông hoa, những chú ong cũng lấy đi phấn hoa, đây là nguồn protein quan trọng giúp những chú ong khỏe mạnh.
Phấn hoa là một loại bột được tạo ra bởi các loài hoa, cây cối và cả cỏ để chúng có thể phát triển giống loài ra khu vực xung quanh. Phấn hoa cần được phát tán rộng, chúng có thể phát tán theo gió hoặc được côn trùng mang đi.
Vì vậy, bằng cách chuyển phấn hoa từ cây này sang cây khác, loài ong đã giúp thụ phấn cho những bông hoa. Những bông hoa sau đó sẽ phát triển thành các loại quả và hạt mà chúng ta thường ăn. Trên thực tế, khoảng 1/3 số thực phẩm chúng ta ăn được thụ phấn bởi loài ong.
Henao Longgar, người quản lý trại nuôi ong tại Highlands Honey, đang giữ một tổ ong tuyệt đẹp được bao phủ bởi những chú ong ở cao nguyên phía Đông Papua New Guinea (Ảnh: Cooper Schouten).
Người thụ phấn trên toàn cầu
Bạn có biết, "chị ong nâu nâu" chỉ là một trong hơn 20 nghìn loài ong trên thế giới? Riêng tại Úc đã có hơn 1,7 nghìn loài ong khác nhau và chỉ một số loài mới có thể tạo ra mật ong.
Tại Úc có một số loài ong bản địa được gọi là ong rú hay ong không ngòi đốt, như Tetragonula carbonaria và Austroplebeia australis, chúng chỉ có thể được tìm thấy tại châu lục này và chúng cũng có thể tạo ra mật ong.
Khai thác mật ong từ tổ ong khổng lồ tại Indonesia. (Ảnh: Cooper Schouten).
Ngoài ra, trên thế giới cũng có khoảng 10 loài ong khác có thể tạo ra mật, như loài ong khổng lồ (Apis dorsata) ở Nepal và Indonesia. Chúng thường sống trên đỉnh vách đá cao và những ngọn cây lớn. Hay giống ong mật châu Âu (Apis cerana) được nuôi tại các trang trại ong rải rác ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng ta phải nhớ là những chú ong nuôi lấy mật cũng cần được quan tâm, chăm sóc như thú cưng vậy.
- Cách chữa bệnh cước tay chân vào mùa đông rét đậm, rét hại
- Top 5 trang bị quân sự đặc biệt của Quân đội Mỹ trong năm 2020
- Choáng váng 5 hành tinh sở hữu cấu trúc y hệt Trái đất lộ diện năm qua