“Mặt trái” của thuốc
Thuốc có thể cứu người, đồng thời có thể gây tác hại không lường được cho những ai sử dụng tùy tiện, thiếu thận trọng; dùng không đúng bệnh và không theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Thực tế cho thấy thuốc sẵn, nhưng người dân lại không được trang bị kiến thức về y dược một cách cặn kẽ, người bệnh tự động dùng thuốc đã làm tăng tình trạng cảm ứng tạo tiền đề cho dị ứng thuốc.
Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc khi mới ra đời chỉ thấy mặt lợi về tác dụng điều trị mà chưa thấy nhược điểm của thuốc đó gây ra. Sau này cùng với thời gian và thực tế trên lâm sàng chúng mới bộc lộ tiềm năng gây độc cho con người. Điển hình là penecillin, ban đầu người ta không ngớt lời ca tụng về tác dụng diệt khuẩn của nó, nhưng ngày nay, penecillin trở thành một trong những thứ thuốc hay gây dị ứng nhất.
Tổn thương da do dị ứng thuốc (Ảnh : Khoa học và Sức khỏe) |
Tuy nhiên, việc dự phòng dị ứng thuốc không phải dễ, nhiều khi ngay cả bản thân thầy thuốc cũng không thể lường trước được phản ứng của từng bệnh nhân đối với một loại thuốc nào đó. Nhưng việc nắm vững kiến thức và biện pháp dự phòng vẫn là điều cần thiết, chắc chắn sẽ giúp ta hạn chế được nhiều tai biến đáng lẽ không xảy ra.
Trước hết cần có quan niệm đúng về thuốc: cho dù có quý hiếm, đắt tiền bao nhiêu thì thuốc vẫn là chất ngoại lai, chất lạ bắt cơ thể phải chọn lọc, chuyển hóa, hấp thu và đào thải. Một số thuốc gây tác dụng phụ ở mức độ khác nhau, một số khác có thể trở thành kháng nguyên gây cảm ứng, tạo tiền đề cho dị ứng khi bệnh nhân dùng lại thuốc đó. Vì vậy khi thật cần thiết mới dùng.
Khi đã dùng thuốc phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc về liều lượng, thời gian dùng. Ví dụ, số lần uống thuốc trong ngày, thời điểm uống thuốc (trước hoặc sau bữa ăn), kiêng kỵ ra sao... Những tuân thủ này không thể tùy tiện. Đối với một số thuốc, nhất là đối với bệnh nhân có cơ địa dị ứng lại càng phải có quy định chặt chẽ: thử phản ứng da trước khi tiêm, định kỳ kiểm tra máu, chức năng gan thận, nhằm phát hiện sớm những biến đổi bệnh lý có thể xảy ra.
Bệnh nhân cũng phải biết tự phát hiện những biểu hiện sớm của dị ứng: mệt mỏi, khó chịu, nôn nao, nổi ban ngứa, gây sốt, nổi hạch... để báo cho thầy thuốc kịp thời ngừng thuốc và xử trí. Nếu đã có một lần dị ứng thuốc phải ghi rõ vào hồ sơ sức khỏe để sau này thầy thuốc và bệnh nhân tuyệt đối không dùng lại thuốc đó vì phản ứng dị ứng càng về sau càng nặng.
Đối với thầy thuốc, mỗi khi khám bệnh kê đơn cần tự xác định trách nhiệm cao cả của mình, có thể giúp ích cho bệnh nhân đồng thời có thể gây tác hại khôn lường cho họ nếu mình sơ suất. Vì vậy phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ, cân nhắc đối với từng bệnh nhân, từng loại thuốc, không nên vì lợi nhuận mà phẩy tay kê nhiều loại thuốc không thật cần thiết, thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ thử phản ứng, theo dõi định kỳ đã quy định.
Chú ý lắng nghe những than phiền của bệnh nhân để có biện pháp xử trí kịp thời thích hợp.
Với tinh thần khoa học, nghiêm chỉnh, thận trọng của thầy thuốc cũng như của bệnh nhân sẽ góp phần chế ngự được các tác dụng phụ, nhất là tai biến dị ứng của thuốc.
BS. Ngô Xuân Nguyệt