Máy tạo nước từ không khí tại Kenya
Kenya là một trong những quốc gia khan hiếm nước nhất thế giới.
Rosario Kisui cùng hàng xóm ở thủ đô Nairobi của Kenya thường mất khoảng 30 phút để lấy đủ lượng nước cần thiết từ con suối gần nhà cho công việc hàng ngày.
“Tôi sống ở đây với các con. Từ khi tôi chuyển đến thì đã không có nước. Chúng tôi tự hỏi mục đích của vòi nước là gì? Chúng tôi có thể nhổ bỏ chúng không vì chúng không có nước? Chúng tôi lấy nước sông tắm rửa, uống, nấu ăn. Con chúng tôi có lúc bị đau bụng. Có lúc đi bệnh viện có lúc không. Chúng tôi phải cố gắng sống chứ đâu còn cách nào khác. Đây là nước của chúng tôi”, Kisui chia sẻ.
Đến Nairobi sinh sống 3 năm, mỗi tháng David Nyaga chỉ được nhận nước mỗi tháng một lần. Ông phải lấy thêm nước từ giếng trong khuôn viên nhà.
Nyaga cho biết: “Nước giếng khoan không an toàn để uống nên tôi chỉ dùng nước này để lau chùi, giặt giũ cùng một số việc khác. Nước đóng chai quá đắt tôi không chi trả nổi”.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính tại Kenya, có 9,9 triệu người uống trực tiếp nước từ các nguồn bị ô nhiễm.
Giám đốc điều hành công ty Majik Water Beth Koigi từng phải mua nước ô nhiễm khi còn học đại học, vì vậy bà muốn tìm cách giải quyết vấn đề khan hiếm nước.
Majik Water chuyên phát triển công nghệ tạo nước từ không khí, được thành lập năm 2017 và từ cuối năm 2019 bắt đầu sản xuất thiết bị sử dụng công nghệ này.
Máy tạo nước từ không khí của Majik Water - (Ảnh: Majik Water)
Theo giám đốc Koigi, thiết bị ngưng tụ hơi ẩm trong không khí thành nước, mỗi ngày có thể tạo ra 500 lít nước. Nếu độ ẩm không khí cao hơn 60% sẽ tạo ra tới 700 lít.
“Về cơ bản thiết bị gồm 4 thành phần chính: quạt hút không khí, miếng ngưng tụ, phần làm lạnh, lõi cuộn ngưng tụ. Chúng tôi lắp thêm thành phần bổ sung là hệ thống lọc tùy theo loại chất ô nhiễm mà chúng ta có ở địa điểm đặt thiết bị”, giám đốc Koigi giảng giải.
Tại Kenya hiện có 20 thiết bị, giá thành dao động từ 9.000 - 12.5000 USD. Một máy được đặt tại trường tiểu học St.Juliet trên địa bàn khu Kibera (thuộc Nairobi).
Giáo viên Nelson Mandela Safu cho biết trước đây trường gặp vấn đề về vệ sinh vì chỉ có thể rửa nhà vệ sinh mỗi tuần một lần, học sinh thường bị đau bụng vì nước ô nhiễm. Nhưng nay trường có nước do thiết bị Majik Water tạo ra để rửa nhà vệ sinh, học sinh cùng giáo viên có nước sạch để uống.
Máy đem lại nước sạch có thể uống cho nhiều người - (Ảnh: Majik Water)
Đầu năm nay, Liên hợp quốc cảnh báo khoảng 13 triệu người ở vùng Sừng châu Phi phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng do hạn hán dai dẳng.
Hạn hán tại Kenya - nơi 3,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng - làm trầm trọng thêm những yếu tố gây nên nạn đói.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Chống sa mạc hóa (UNCCD), biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm tăng nguy cơ hạn hán ở nhiều khu vực dễ bị tổn thương – đặc biệt là quốc gia tăng dân số nhanh. Ước tính có 129 quốc gia phải trải qua hạn hán.