Michelin lần đầu ra mắt lốp xe không bơm hơi
Công ty Michelin giới thiệu mẫu lốp UPTIS chống thủng với kết cấu linh hoạt tại một triển lãm xe ở Munich.
Lốp xe chống thủng trở thành khái niệm hấp dẫn trong nhiều năm. Hãng sản xuất lốp xe Michelin phát triển ý tưởng này từ năm 2005. Sau hơn một thập kỷ làm việc, Michelin đã tiến gần hơn tới biến ý tưởng thành hiện thực. Công ty lần đầu tiên thử nghiệm lốp chống thủng trên xe điện, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.
Thiết kế lốp Uptis của Michelin. (Ảnh: Michelin).
Hơn 3 tỷ lốp xe được sản xuất hàng năm trên khắp thế giới. Sau khi hết vòng đời, lốp xe thường bị thải ra bãi rác, có nguy cơ bắt lửa và xả khói độc vào khí quyển. Giống như nhiều đồ vật nhân tạo khác, một cách khiến lốp xe trở nên thân thiện với môi trường hơn là sử dụng vật liệu tự nhiên. Cách thứ hai là giảm tốc độ mài mòn khiến lốp xe nhanh hỏng. Hãng Michelin ở Pháp kết hợp cả hai phương pháp để sản xuất lốp xe "xanh" hơn.
Thông qua chương trình Vision Concept, công ty muốn tạo ra lốp xe không bơm hơi, có thể tái sử dụng và bền vững. Lốp Unique Punctureproof TIre System (UPTIS) có thiết kế độc đáo, không cần bơm hơi và không bao giờ bị thủng. UPTIS kết hợp vành nhôm và cấu trúc chịu lực linh hoạt làm từ nhựa gia cố bằng sợi thủy tinh (GFRP). Theo Michelin, thiết kế này có hiệu suất tương đương lốp xe thông thường.
Michelin ra mắt lốp UPTIS tại Triển lãm Ôtô Quốc tế tại Munich, Đức từ ngày 7 đến 12/9 và mời khách tham quan chạy thử loại lốp này. Dù không tiết lộ mức giá, công ty cho biết lốp UPTIS sẽ có mặt trên thị trường năm 2024. Trong giai đoạn đầu, lốp sẽ chứa nhựa tái chế. Theo thời gian, công ty sẽ thay thế 100% bộ phận của lốp bằng vật liệu hữu cơ hoặc có thể tái chế.
- Cá voi sát thủ đập đầu vào bể sau 10 năm cô độc
- Thi thể người phụ nữ trong lăng mộ khiến các chuyên gia mất gấp đôi thời gian chỉ để... cởi quần áo!
- Virus Nipah có tỷ lệ tử vong cao hơn SARS-CoV-2 đang bùng phát ở Ấn Độ