Miếng dán theo dõi bệnh nhân đột quỵ
Với những bệnh nhân bị đột quỵ, rất cần đưa vào bệnh viện dưới sự chăm sóc tích cực của các thầy thuốc. Trong quá trình điều trị có đến 1/3 người bệnh lại bị đột quỵ lần thứ hai. Vì vậy các nhân viên điều dưỡng phải thường xuyên chú ý đến các bệnh nhân này.
>>> Chóng mặt có thể là dấu hiệu đột quỵ
Để xác định nguy cơ đột quỵ kế tiếp cần theo dõi áp lực máu và nồng độ ô xy trong não. Các biện pháp hiện tại vừa có tính xâm lấn vào cơ thể vừa có thể gây hại cho bệnh nhân. Thông thường để kiểm tra người ta phải dùng máy quét CT nhiều lần, phương pháp này có thể gây tổn thương cơ thể vì liều lượng bức xạ quá mức.
Nay, một thiết bị mới đang được phát triển tại Bệnh viện Mayo ở Florida (Mỹ), được thực hiện đơn giản bằng cách chiếu tia sáng vào trán bệnh nhân. Thiết bị đang thử nghiệm sử dụng quang phổ cận hồng ngoại (NIRS) hình thức như một miếng dán trên trán bệnh nhân. Ánh sáng cận hồng ngoại sẽ đi qua da trán và sâu vào trong đầu chừng 2,5cm để thu thập dữ liệu về áp lực máu và nồng độ ô xy não.
So sánh cách dùng NIRS với máy CT trên tám bệnh nhân để theo dõi mức độ tưới máu và ô xy não đều cho kết quả tương tự nhau. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thử nghiệm ban đầu với mẫu thực hành hạn chế, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Các nhà khoa học còn hy vọng thu nhỏ kích cỡ của NIRS để sử dụng trên chiến trường nhằm theo dõi binh sĩ bị tổn thương ở não.