Module phòng thí nghiệm Mộng Thiên cập bến trạm vũ trụ Thiên Cung

Module phòng thí nghiệm Mộng Thiên, thành phần chính cuối cùng của trạm vũ trụ Trung Quốc, đã ghép nối thành công với module Thiên Hòa vào sáng 1/11.


Hình ảnh ghép nối của module Mộng Thiên và Thiên Hòa. (Video: CCTV)

Module Mộng Thiên dài gần 18m và nặng 23 tấn đã được phóng bởi tên lửa Trường Chinh 5B từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam của Trung Quốc vào lúc 15h37 ngày 31/10 theo giờ Bắc Kinh và đến "điểm hẹn quỹ đạo" thành công sau gần 13 giờ bay, Cơ quan Không gian có Người lái Trung Quốc (CMSA) sáng nay cho biết.

Hình ảnh gửi về từ trạm vũ trụ Thiên Cung cho thấy Mộng Thiên đã ghép nối thành công với cổng phía trước của module trung tâm Thiên Hòa vào lúc 4h27 sáng ngày 1/11. Theo kế hoạch, module Mộng Thiên sẽ được dịch chuyển vị trí trong thời gian tới để cùng với module Thiên Hòa và Vấn Thiên tạo thành cấu trúc hình chữ T cho trạm Thiên Cung.

Trung Quốc mất chưa đầy hai năm để lắp ráp trạm vũ trụ dài hạn đầu tiên của họ. Tổ hợp quỹ đạo này bao gồm ba phần chính: module nòng cốt Thiên Hòa (phóng vào tháng 4/2021), module thí nghiệm Vấn Thiên (phóng vào tháng 7/2022) và cuối cùng là Mộng Thiên. So với Vấn Thiên, module phóng thí nghiệm mới được trang bị nhiều cơ sở nghiên cứu hơn, dù có cùng kích thước.


Mô phỏng module Mộng Thiên cập bến trạm vũ trụ Thiên Cung. (Ảnh: Xinhua)

Mộng Thiên mang theo 8 tủ thí nghiệm khoa học và cung cấp 37 tùy chọn lắp đặt bổ sung, cho phép thực hiện một loạt thí nghiệm vật lý ở cả trong và ngoài cabin trong môi trường vi trọng lực.

Trên module có hệ thống đồng hồ nguyên tử không gian đầu tiên trên thế giới, gồm đồng hồ hydro, đồng hồ rubidi và đồng hồ quang học. Đây cũng là hệ thống thời gian trên quỹ đạo chính xác nhất thế giới, theo Xinhua.

"Bộ đồng hồ này sẽ hỗ trợ nghiên cứu vật lý cơ bản như đo độ lệch đỏ trọng trường và xác minh tốc độ không đổi của ánh sáng. Nó cũng có thể được sử dụng để đồng bộ hóa thời gian cho các cơ sở khoa học quan trọng như máy gia tốc hạt lớn và các mảng kính viễn vọng vô tuyến, đồng thời cải thiện hiệu suất của chúng", nhà thiết kế Zhang Shougang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Giờ Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhấn mạnh.

Trong số các trọng tải của Mộng Thiên còn có một công cụ với khả năng tạo ra khí lượng tử cực lạnh ở cực gần độ không tuyệt đối, một thiết bị có thể ghi hình những thay đổi của vật chất ở nhiệt độ cao bằng tia X và một phòng thí nghiệm vật lý chất lỏng tiên tiến trong không gian.

Các nền tảng này sẽ tạo ra những điều kiện không thể đạt được dưới mặt đất, do đó đóng vai trò là "vườn ươm" cho công nghệ mới và vật liệu mới như kim loại hợp kim, tinh thể và chất bán dẫn.

Trung Quốc có kế hoạch phóng thêm một tàu chở hàng tới trạm Thiên Cung vào tháng 11 và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa lớn hơn, cabin cửa gió của Mộng Thiên được trang bị hai cửa sập hình vuông, một cửa bên trong và một cửa bên ngoài.

Trong đó, cửa sập bên ngoài được điều khiển bằng điện, đây là chiếc đầu tiên thuộc loại này được sử dụng trong lịch sử trạm vũ trụ toàn cầu. Bai Hemin, nhà thiết kế hệ thống trạm vũ trụ tại Viện Công nghệ Tàu bay Không gian Thượng Hải (SAST), cho biết cánh cửa tự động đó sẽ giúp giảm sức lao động cho phi hành gia và tăng hiệu quả khi vận chuyển hàng hóa ra khỏi cabin.

Với cửa sập lớn hơn, Mộng Thiên thậm chí có khả năng phóng các vệ tinh thu nhỏ vào không gian. "Các phi hành gia có thể lắp đặt vệ tinh nhỏ trên một thiết bị chuyển tải trọng tải, làm giảm áp suất trong khoang khí nén và sau đó đẩy chúng ra khỏi khoang", Meng Yao, một nhà thiết kế của module Mộng Thiên, cho biết thêm.

Trạm Thiên Cung và Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là hai trạm vũ trụ đang hoạt động trên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Trong khi trạm ISS nhiều khả năng rơi khỏi quỹ đạo đầu thập niên 2030, trạm Thiên Cung có thể mở rộng từ 3 lên 6 module, theo nhà chức trách Trung Quốc.

Theo dự kiến, trạm Thiên Cung sẽ là nơi diễn ra hơn 1.000 thí nghiệm khoa học trong suốt thời gian hoạt động, bao gồm dự án quốc tế giữa CMSA và Văn phòng Liên Hợp Quốc về Hoạt động Vũ trụ. Trong tháng 11, Trung Quốc lên kế hoạch phóng Thiên Châu 5 - nhiệm vụ chở hàng thứ 4 lên trạm Thiên Cung để cung cấp vật tư cho nhiệm vụ có người lái Thần Châu 15 sắp tới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất