Trung Quốc phóng module cuối cùng của trạm Thiên Cung
Trung Quốc phóng thành công module Mộng Thiên hôm nay, tiến gần đến hoàn thành xây dựng trạm vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất.
Tên lửa Trường Chinh chở module Mộng Thiên cất cánh. (Video: CGTN)
Vào 3h37 chiều ngày 31/10, moduel thí nghiệm Mộng Thiên cất cánh trên tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5B từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc. Deng Hongqin, giám đốc Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tuyên bố buổi phóng thành công vào khoảng 3h50 cùng ngày.
Theo dự kiến, module Mộng Thiên dài 18 m, nặng 23 tấn, tương đương 4 con voi châu Á trưởng thành, sẽ ghép nối với module trung tâm của trạm Thiên Cung trong vòng vài giờ sau khi cất cánh. Quá trình ghép nối sẽ được giám sát bởi các phi hành gia Chen Dong, Liu Yang và Cai Xuzhe đã ở trên trạm Thiên Cung từ tháng 6/2022. Ngày phóng trùng với ngày mất của Qian Xuesen, cha đẻ chương trình tên lửa của Trung Quốc, qua đời vào ngày 31/10/2009. Ở độ cao hơn 380 km phía trên Trái đất, Mộng Thiên sẽ thay đổi vị trí sau đó thông qua cánh tay robot để trạm Thiên Cung chuyển thành hình dạng chữ T và kết thúc giai đoạn xây dựng.
Trung Quốc mất chưa đầy hai năm để lắp ráp trạm Thiên Cung gồm 3 module trên quỹ đạo, bắt đầu với module trung tâm, Thiên Hòa, phóng vào tháng 4 năm ngoái. So với Thiên Hòa và module thí nghiệm còn lại là Vấn Thiên (phóng lên quỹ đạo trong tháng 7/2022), Mộng Thiên trang bị nhiều cơ sở nghiên cứu hơn và sẽ hỗ trợ hàng loạt thí nghiệm vật lý ở môi trường vi trọng lực.
Trung Quốc phóng thành công module Mộng Thiên.
Ví dụ, cơ sở vật lý nguyên tử siêu lạnh sẽ sử dụng laser để làm lạnh nguyên tử tới 10 picokelvin, chưa tới một phần tỷ của một độ dưới độ 0 tuyệt đối (-273,15 độ C). Đây sẽ là nhiệt độ thấp nhất mà con người từng đạt được. Mộng Thiên sẽ trang bị 3 đồng hồ nguyên tử hiện đại, bao gồm đồng hồ nguyên tử quang học trong không gian đầu tiên trên thế giới. Những đồng hồ này có thể hoạt động kết hợp để bấm giờ với độ chính xác siêu cao, không lệch giây nào sau hơn một tỷ năm.
Có tổng cộng 9 cơ sở thí nghiệm lớn cỡ chiếc tủ lạnh bên trong Mộng Thiên, theo Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA). Ngoài ra còn có phòng để các phi hành gia làm việc và lưu trữ đồ. Trong khi đó, có 37 bộ chuyển đổi bên ngoài module Mộng Thiên để hỗ trợ thí nghiệm và nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ vũ trụ tới các tổ chức sinh vật và cây trồng. Module cũng hỗ trợ giải phóng vi vệ tinh và CubeSat từ quỹ đạo. Giống như Vấn Thiên, Mộng Thiên sẽ sử dụng hai bộ pin quang năng lớn với sải cánh dài tổng cộng 56 m khi mở rộng để góp phần cung cấp điện cho trạm Thiên Cung.
Tính đến nay, CMSA đã thông qua hơn 100 đề xuất thí nghiệm từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Ít nhất 25 dự án đang diễn ra, bao gồm thí nghiệm nghiên cứu kết tinh protein và ảnh hưởng của vi trọng lực lên tế bào thực vật, xương và cơ bắp, theo báo cáo trên tạp chí Nature. Các phi hành gia đã đưa 12.000 hạt giống, bao gồm hạt cà tím và dưa hấu lên trạm Thiên Cung, để chúng tiếp xúc với bức xạ và vi trọng lực trong 6 tháng trước khi mang về hồi tháng 4 để trồng trên Trái đất.
Theo dự kiến, trạm Thiên Cung sẽ là nơi diễn ra hơn 1.000 thí nghiệm khoa học trong suốt thời gian hoạt động, bao gồm dự án quốc tế giữa CMSA và Văn phòng Liên Hợp Quốc về Hoạt động Vũ trụ. Trong tháng 11, Trung Quốc lên kế hoạch phóng Thiên Châu 5 - nhiệm vụ chở hàng thứ 4 lên trạm Thiên Cung để cung cấp vật tư cho nhiệm vụ có người lái Thần Châu 15 sắp tới.
Trạm Thiên Cung và Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là hai trạm vũ trụ đang hoạt động trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Trong khi trạm ISS nhiều khả năng rơi khỏi quỹ đạo đầu thập niên 2030, trạm Thiên Cung có thể mở rộng từ 3 lên 6 module, theo nhà chức trách Trung Quốc.