Một di chứng do ngộ độc khí CO ở trẻ, đặc biệt sau hỏa hoạn - Cha mẹ xử lý càng nhanh càng tốt!
Theo thông tin về vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội ngày 12/09/2023, có 56 trường hợp tử vong (trong đó có 16 trẻ em) và 37 trường hợp bị thương (trong đó có 9 trẻ em).
Trên thế giới cũng ghi nhận nhiều vụ cháy gây thương vong cho trẻ em như vụ cháy chung cư tại New York của Mỹ năm 2022 làm 19 người chết, trong đó có 9 trẻ em hay vụ cháy trung tâm thương mại tại Nga năm 2018 làm 64 người thiệt mạng, trong đó có 11 trẻ em và nhiều trẻ em bị thương.
Qua đó để thấy, khi các vụ hỏa hoạn xảy ra, dù nhỏ hay lớn, thì trẻ em vẫn thường là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Nguyên nhân chính gây tử vong cho các nạn nhân là tình trạng ngạt khí - do hít phải nhiều khí độc, trong đó phần lớn là khí CO đi kèm với khí khác như CO2, khí hydroxyanua…) và chấn thương (do nạn nhân bị ngã hoặc nhảy từ trên cao xuống).
Nguyên nhân chính gây tử vong cho các nạn nhân của đám cháy là tình trạng ngạt khí. (Ảnh minh họa).
Khi các vụ hỏa hoạn xảy ra, trẻ em thường hoảng hốt, chạy loạn, khóc la nên dễ hít phải khói độc nhiều hơn. CO là một chất khí độc, không màu, không mùi được tạo ra do quá trình đốt cháy không hoàn toàn các hợp chất hữu cơ do thiếu oxy cung cấp. CO cạnh tranh với Oxy trong việc gắn vào hồng cầu trong máu và gây ra tình trạng thiếu oxy máu.
Một trong những cơ quan bị tổn thương khi ngộ độc khí CO là hệ thống thần kinh và những trẻ em sống sót sau vụ hỏa hoạn có nguy cơ phải đối mặt với các di chứng về thần kinh. Đây cũng là điều mà các phụ huynh lo lắng, quan tâm bởi trong giai đoạn này, não bộ và hệ thống thần kinh của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Các tế bào thần kinh rất dễ bị tổn thương bởi tình trạng thiếu oxy máu.
Hiện nay trong y văn, có rất ít nghiên cứu tập trung vào nhóm trẻ em. Một nhóm bác sĩ Nhi khoa của Đại Học Soroka, Isarel đã báo cáo một trường hợp bệnh nhi sau ngộ độc khí CO gặp các biến chứng về thần kinh trên trang Frontiers tháng 5/2022. Bệnh nhi bị hôn mê do ngộ độc khí CO. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi hồi phục và xuất viện mà không có bất kỳ sự suy giảm thần kinh nào.
Tuy nhiên khi về nhà đến ngày thứ 8, trẻ có biểu hiện đau đầu, tê yếu chân tay và lên cơn co giật. Trẻ quay trở lại viện và được chụp cộng hưởng từ sọ não không phát hiện bất thường; làm điện não đồ phát hiện có các sóng động kinh trong não. Sau 19 ngày, trẻ bị suy giảm thị lực 2 bên mắt do tổn thương đáy mắt. Sau 2 tháng bị ngộ độc khí CO, bệnh nhi thấy suy giảm trí nhớ, thị lực 2 mắt có cải thiện và thỉnh thoảng vẫn có các cơn co giật. Và sau 7 tháng, các bất thường về hệ thần kinh rõ ràng hơn. Trên phim chụp cộng hưởng từ sọ não có tình trạng teo não và tổn thương chất trắng của não.
Như vậy, trẻ đã bị di chứng tâm thần kinh muộn sau ngộ độc khí CO. Biểu hiện rất đa dạng như mất trí nhớ, co giật, động kinh, rối loạn hành vi và tâm trạng (trẻ trở lên hung hăng, dễ kích động hay nhút nhát, sợ hãi,…) hoặc mất thị lực như trường hợp được nhắc đến. Tỷ lệ trẻ mắc di chứng thần kinh muộn từ 3-17%.
Một nghiên cứu khác được công bố trên trang Science Direct năm 2017, được tiến hành tại Trung tâm y tế của Đài Loan trong giai đoạn từ 2002 – 2010, với 81 trẻ bị ngộ độc khí CO ở nhiều độ tuổi khác nhau với mức độ từ nhẹ (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,…) đến nặng (hôn mê) cho thấy: có 12 trẻ (chiếm khoảng 15%) mắc di chứng thần kinh muộn, trong đó biểu hiện chủ yếu gồm động kinh, co giật; suy giảm nhận thức, thay đổi tính cách, yếu tay chân.
Qua các trường hợp trên cho thấy, ngộ độc khí CO ở trẻ em, dù ở bất kỳ mức độ nào cũng để lại di chứng thần kinh cho trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của trẻ.
Do vậy, người lớn cần chủ động phòng ngừa ngộ độc khí CO cho trẻ và trẻ cần chủ động trang bị kiến thức ứng phó khi găp các tình huống cháy nổ.
Đối với những trẻ em hồi phục sau ngộ độc khí CO (sau tai nạn hỏa hoạn hoặc do khói bếp, than tổ ong, do khí ga,…), cha mẹ cần theo dõi sát trẻ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.