Mùa hè 2023 nóng nhất trong 2.000 năm qua
Với dữ liệu vòng cây tại Bắc bán cầu, các chuyên gia ước tính nhiệt độ toàn cầu từ thế kỷ 1 và nhận thấy hè 2023 nóng kỷ lục.
2023 là năm nóng nhất toàn cầu kể từ năm 1850, khi bắt đầu có các ghi chép về nhiệt độ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature hôm 14/5 còn cho thấy, tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã đẩy nhiệt độ mùa hè năm 2023 ở Bắc bán cầu lên mức cao nhất trong suốt 2.000 năm qua.
Ảo ảnh xuất hiện trên Đường Kartavya tại New Delhi, Ấn Độ, do nắng nóng dữ dội tháng 4/2023. (Ảnh: Raj K Raj/Hindustan Times).
"Chúng ta không nên ngạc nhiên. Với tôi, đó chỉ là sự tiếp nối của những gì chúng ta đã khởi xướng bằng cách giải phóng khí nhà kính - thứ gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu", Jan Esper, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư khí hậu tại Đại học Johannes Gutenberg của Đức, cho biết.
Cây cối cung cấp một bức tranh sơ lược về khí hậu trong quá khứ vì rất nhạy cảm với những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ. Thông tin này được lưu giữ trong các vòng sinh trưởng của cây: Trong những năm ấm áp, ẩm ướt, vòng cây sẽ rộng hơn những năm khô lạnh.
Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu vòng cây từ các địa điểm trên khắp Bắc bán cầu để ước tính nhiệt độ toàn cầu từ thế kỷ 1 đến năm 1850, trước khi các công cụ quan sát hiện đại ra đời. Theo ước tính thận trọng của các nhà khoa học, năm 2023 nóng hơn ít nhất 0,5 độ C so với mùa hè nóng nhất ở Bắc bán cầu vào thời kỳ đó, mùa hè năm 246. Nếu ước tính rộng rãi, mức chênh lệch thậm chí lên đến 1,19 độ C.
Đồng tác giả nghiên cứu, Max Torbenson cho biết, 25 trong số 28 năm qua đã vượt quá mức nhiệt cao nhất vào mùa hè năm 246. Trong khi đó, mùa hè mát mẻ nhất 2.000 năm qua lại thấp hơn gần 4 độ C so với nhiệt độ hè năm 2023 ở Bắc bán cầu do một vụ phun trào núi lửa lớn.
Các nhà khoa học cho biết, hoạt động núi lửa cũng có thể mang lại điều kiện mát mẻ hơn trong tương lai, nhưng cuối cùng, việc con người thải khí nhà kính sẽ tiếp tục giữ lại nhiệt trong khí quyển. Một vụ phun trào núi lửa năm 1991 đã giúp giảm nhẹ tác động của El Nino - hệ thống thời tiết khiến Thái Bình Dương ấm lên và có thể khiến thế giới nóng hơn - vào năm 1992. Sau khi hiệu quả giảm, nhiệt độ lại tăng vọt vào năm 1998. Nghiên cứu mới cho biết, đây là một trong những mùa hè nóng nhất sau mùa hè năm 2023 và 2016 - hai năm có El Nino.
Esper cho biết, cách duy nhất để kiềm chế nhiệt độ tăng là lập tức bắt đầu giảm phát thải. "Chúng ta càng chờ đợi lâu thì việc này sẽ càng khó khăn và tốn kém", ông nhận định.