Năm 2014 Việt Nam phát hiện 126 loài mới
Trong năm 2014, các nhà khoa học đã phát hiện thêm 126 loài sinh vật mới tại Việt Nam, theo thống kê của một nhóm các nhà khoa học từ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
- Loài chuột cây mới được phát hiện ở Sơn La
- Phát hiện loài thằn lằn mới ở Đà Nẵng
126 loài sinh vật mới tại Việt Nam năm 2014
Chuột cây thomas Chiromyscus thomasi mới phát hiện ở Sơn La. (Ảnh: Zookeys.pensoft.net)
Thông kê của nhóm "Đa dạng Sinh học và Bảo tồn Việt Nam" (Biodiversity and Conservation of Vietnam - BIODIVN), đã có 80 loài động vật và 46 loài thực vật, nấm mới đã được phát hiện ở Việt Nam trong năm vừa qua.
Theo TS Nguyễn Đức Anh, thuộc Phòng Sinh thái Môi trường Đất, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, đại diện nhóm BIODIVN cho biết, con số 126 loài mới được phát hiện trong năm qua có thể coi là một thành công rực rỡ của các nhà khoa học sinh vật.
"Trong năm 2012-2013, chỉ mới có khoảng 100 loài sinh vật mới được phát hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ riêng năm 2014, đã tìm thấy 126 loài mới, tăng 26% so với cả hai năm trước đó", TS Đức Anh cho biết.
Thống kê của nhóm BIODIVN được tiến hành dựa trên các phát hiện được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới trong năm 2014.
Trong số 80 loài động vật mới được công bố, chủ yếu thuộc về các nhóm Côn trùng (chiếm tỷ lệ 64%), Lưỡng cư (chiếm 16%), và các nhóm còn lại như Bò sát, Cá, Cổ sinh vật, Giáp xác, Thân mềm, Thú (chiếm tỷ lệ từ 2 đến 5%). Trong đó, có 45% số loài được phát hiện ở khu vực miền Bắc, 43% từ khu vực miền Nam và chỉ có 12% từ khu vực miền Trung Việt Nam.
Trong tổng số 46 loài thực vật, nấm và địa y mới cho khoa học được phát hiện ở Việt Nam, 50% số loài được đến từ miền Nam, 33% số loài đến từ miền Bắc và 17% số loài đến từ miền Trung. Đặc biệt, việc tập trung nghiên cứu tại tỉnh Lâm Đồng đã cho kết quả đáng kinh ngạc với 14 loài thực vật được công bố, chiếm 30,4% tổng số loài đã phát hiện.
Theo TS Nguyễn Đức Anh, việc phát hiện 2 loài thú mới là dơi muỗi Hypsugo dolichodon ở Đồng Nai và chuột cây Thomas Chiromyscus thomasi ở Sơn La được coi là phát hiện quan trọng nhất trong năm qua. Bởi lẽ, hiện nay, Việt Nam rất khó để phát hiện những loài thú mới.
Phát hiện cũng rất ấn tượng trong năm 2014 là việc tìm thấy những loài thú cổ đại (đã tuyệt chủng) ở Việt Nam. Các nhà khoa học đã công bố 3 loài thú cổ đại từ các mẫu hóa thạch thu được ở Na Dương, Lạng Sơn, gồm: Tê giác na dương Epiaceratherium naduongense, thú than phương đông Bakalovia orientalis, và cá nước ngọt cổ đại Planktophaga minuta.
Thông năm lá rủ Pinus cernua phát hiện ở Sơn La. (Ảnh: Nguyễn Sinh Khang/BIODIVN).
Về thực vật, việc phát hiện loài Thông năm lá rủ Pinus cernua được đánh giá là phát hiện ấn tượng nhất trong năm 2014. Bởi lẽ, trong nhiều năm qua chưa có phát hiện mới nào về các loài cây thông.
Việt Nam được coi là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học trên thế giới với khoảng gần 19 nghìn loài động vật và gần 14 nghìn loài thực vật được biết đến. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên khi mà mỗi năm có hàng trăm loài mới cho khoa học được phát hiện từ Việt Nam.
Tuy vậy, theo TS Đức Anh, việc phát hiện những loài mới ở Việt Nam cũng đang chỉ ra những thách thức to lớn đối với việc bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học.
“Các loài sinh vật mới được phát hiện đều có vùng phân bố hẹp và có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng cao, ví dụ những loài bò sát, ếch nhái, thực vật lá kim… Sự phá rừng, chuyển đổi đất rừng và khai thác quá mức tài nguyên sinh vật đang là những mối đe dọa chính đến nơi sống của các loài mới nói riêng và các loài sinh vật nói chung. Nơi sống bị đe dọa là nguyên nhân đẩy các loài này vào nguy cơ biến mất khỏi hệ sinh thái”, TS Đức Anh khẳng định.