Nàng ca kỹ lên ngôi Hậu vì bị hãm hại, chết chỉ được an táng ở vệ đường
Trong lịch sử Trung Hoa phong kiến, những Hoàng hậu có xuất thân là những vũ nữ, ca kỹ không phải là quá hiếm. Tuy nhiên, những người này đa phần đều là những nữ nhân mưu mô xảo trá, dùng sắc đẹp và tài năng ca hát của mình để quyến rũ Hoàng đế, mưu cầu địa vị, quyền lực và sự giàu có cho bản thân.
Duy chỉ có một ngoại lệ duy nhất, đó chính là vị Hoàng hậu cũng có xuất thân từ một vũ nữ thấp hèn trong xã hội lúc bấy giờ, nhưng lại hiền thục nết na, được Hoàng đế vô cùng yêu chiều sủng ái, và cũng nhờ vậy, mà nàng đã đưa cả gia tộc của mình rạng danh trong thời nhà Hán. Tuy vậy mà, cũng ngôi vị này lại khiến nàng phải chết một cái chết bi thương nhất.
Tuổi thơ của nữ ca kỹ mang họ mẹ
Vệ Tử Phu - Hoàng hậu tại vị lâu nhất triều đại nhà Hán. (Ảnh minh họa).
Vị Hoàng hậu đó chính là Vệ Tử Phu, một ca kỹ có xuất thân bần hàn một bước lên được ngôi mẫu nghi thiên hạ, song lại trải qua biết bao nhiêu biến cố, sóng gió chốn hậu cung đầy thị phi, và ghen tuông hiểm ác, để ngồi vững ở vị trí Hoàng hậu trong suốt 38 năm. Đồng thời, nàng cũng được coi là Hoàng hậu tại vị lâu nhất triều đại nhà Hán.
Tuổi thơ của nàng không được sử sách ghi chép nhiều, chỉ biết thân mẫu của nàng là Vệ Âu, vốn cũng là một tì nữ lâu năm trong phủ Bình Dương của Bình Dương Công chúa. Vệ Âu vốn là một tì nữ nhưng lại có tài múa hát, lại có máu lẳng lơ. Bà đã không ít lần lén lút qua lại với một cấp sự trong cung, sinh ra một con trai, một con gái và người con gái ra đời trong hoàn cảnh "hư thân" của mẹ mình không ai khác chính là Vệ Tử Phu. Có cha nhưng không được công nhận, nên nàng sinh ra được lấy họ của mẹ.
Cứ thế, Vệ Tử Phu lớn lên trong những năm tháng tuổi thơ cơ cực, nhưng vì sở hữu tài năng ca hát mua vui giống mẹ mình nên nàng nối nghiệp trở thành một tì nữ ca múa hát trong cung của Bình Dương Công chúa. Trong thời điểm đó, Hoàng đế của nhà Hán lúc này chính là Hán Vũ Đế, 18 tuổi đã có Hoàng hậu là Trần A Kiều, nhưng vì đã kết hôn từ lâu nhưng Trần A Kiều vẫn không có con nối dõi, điều này đã làm Hán Vũ Đế cùng văn võ bá quan trong cung rất đau đầu.
Tình cờ được Hoàng đế lâm hạnh ngay trong phòng thay đồ
Và trong một lần tình cờ, năm 139 TCN, Hán Vũ Đế đi tuần du về có ghé ngang sang phủ của chị gái mình, chính là Bình Dương Công chúa để dự yến tiệc. Công chúa sai các mỹ nhân trong phủ ra chào nhưng Hán Vũ Đế không để ý đến ai. Sau đó Công chúa sai Vệ Tử Phu ra múa hát và rót rượu. Lúc này, Hán Vũ Đế chợt bần thần trước dung mạo hơn người của Vệ Tử Phu, nàng có kỹ năng ca múa phải nói là uyển chuyển dịu dàng, lại vô cùng xinh đẹp. Chưa kể, mái tóc đen dài mà vẫn rất mượt mà của nàng đã vô tình làm Hán Vũ Đế đắm say ngay trong lần đầu chạm mặt.
Sau đó, Hán Vũ Đế giả vờ đi thay áo để rời tiệc. Công chúa biết ý, giục Vệ Tử Phu vào hầu hạ. Vệ Tử Phu được Hoàng đế sủng hạnh ngay trong phòng thay đồ. Rồi khi rời phủ Bình Dương về cung, Hán Vũ Đế cũng mang theo nàng Vệ Tử Phu theo cùng. Sau đó, cứ tưởng sẽ là chuỗi ngày huy hoàng của Vệ Tử Phu khi từ một nữ nhân thấp hèn đã được Hoàng đế lâm hạnh rồi sủng ái, mang về cung cho một chút địa vị. Nhưng không, mới về cung Vệ Tử Phu liền bị Hoàng đế làm lơ, không ngó ngàng tới.
Khi rời phủ Bình Dương về cung, Hán Vũ Đế cũng mang theo nàng Vệ Tử Phu theo cùng. (Ảnh minh họa).
Cộng thêm việc Hoàng hậu Trần A Kiều biết chuyện giữa chồng mình và Vệ Tử Phu, nên đâm ra ghen ghét. Bà đã giáng Vệ Tử Phu làm tì nữ do mình trực tiếp quản giáo và giao cho nàng làm những công việc khổ cực suốt cả năm trời. Hơn 1 năm sau, viên thái giám theo lệnh thường niên, chọn ra các cung nữ đã lớn tuổi cho xuất cung cho về quê, Vệ Tử Phu thấy mình không còn cơ hội gặp vua, lại sống cảnh khổ cực vất vả nên nàng cũng xin với viên hoạn quan đưa vào danh sách ra khỏi cung.
Tuy nhiên, trước khi các cung nữ rời cung, viên thái giám đưa họ tới gặp Hán Vũ Đế lần cuối để xem mặt. Trông thấy Vũ Đế, người nàng từng ngưỡng mộ và yêu thương nhưng cũng vô tình đẩy nàng vào hoàn cảnh bi đát, Vệ Tử Phu đã bật khóc. Thế là gương mặt xinh đẹp, với đôi mắt đỏ hoe đầy tình cảm nhưng cũng lắm điều oan khuất đã được Hán Vũ Đế để ý tới và sực nhớ đây chính là cô ca kỹ năm nào mình từng lâm hạnh tại phủ Bình Dương. Thế là Hán Vũ Đế cho người đưa Vệ Tử Phu về lại cung. Từ đó, nàng cũng bắt đầu được đắc sủng trở lại.
Trở thành Hoàng hậu vì bị hãm hại
Không lâu sau, Vệ Tử Phu liền mang long thai, nàng lại càng được Hoàng đế sủng ái hơn nữa, có thể nói trong cung lúc này, địa vị của nàng chỉ đứng sau Hoàng hậu. Tuy vậy, do bản tính đố kỵ ghen ghét, lại không thể mang thai cho Hoàng đế, vì vậy Hoàng hậu Trần A Kiều đã năm lần bảy lượt phối hợp với mẹ mình để hãm hại Vệ Tử Phu, nhưng không thành. Đến năm 130 TCN, Hoàng hậu nghe lời của gian thần, dùng thuật Vu cổ - một loại tà thuật rất nổi tiếng thời Trung Hoa phong kiến để ám hại Vệ Tử Phu. Song bị Hán Vũ Đế phát giác. Hán Vũ Đế tức giận phế bỏ ngôi vị Hoàng hậu của bà.
Khi Vệ Tử Phu liền mang long thai, nàng lại càng được Hoàng đế sủng ái. (Ảnh minh họa).
Và sau khi sinh được cho Hoàng đế 3 cô Công chúa, thì hai năm sau, tức năm 128 TCN, Vệ Tử Phu sinh cho ông một Hoàng tử có tên là Lưu Cứ. Không lâu sau đó nữa, thì Hoàng tử Lưu Cứ được sắc phong làm Thái tử, đứng đầu bảng kế vị ngôi Hoàng đế sau khi cha mình qua đời. Còn về phần Vệ Tử Phu thì nàng được phong làm Hoàng hậu thay cho Trần A Kiều. Vì vậy, có thể nói, mọi chuyện đến với Vệ Tử Phu như một cơ duyên may mắn, từ việc lọt vào mắt xanh của Hoàng đế bằng nhan sắc và tài nghệ, cho tới việc được sắc phong Hoàng hậu do bị Hoàng hậu tiền nhiệm hãm hại.
Tiếp đó, có thể nói là chuỗi ngày huy hoàng mà Vệ Tử Phu hằng mong ước khi được Hoàng đế vô cùng sủng ái. Tuy vậy, suốt những tháng ngày nắm giữ ngôi vị chủ hậu cung, nàng cũng tỏ ra an phận thủ thường, hiền lành nết na, không thị uy quyền lực hay trừng phạt bất cứ một nô tì hay thái giám nào. Vì vậy, hậu cung lúc này, ngoài Hoàng đế ra thì nàng còn được lòng của tất cả mọi người.
Vệ Tử Phu được phong làm Hoàng hậu thay cho Trần A Kiều.
Chưa kể, cũng nhờ nàng được ân sủng mà tiểu đệ Vệ Thanh của nàng cũng được Hán Vũ Đế trọng dụng, thân cận như một người em vợ thực thụ, thậm chí Vệ Thanh còn được trở thành chồng sau của Bình Dương Công chúa. Ngoài ra, ca ca của Vệ Tử Phu là Vệ Trường Quân cũng nhanh chóng được Hoàng đế triệu vào cung, trở thành tay sai đắc lực.
Vậy là từ một kiếp ca kỹ thấp hèn, Hoàng hậu Vệ Tử Phu đã góp phần khiến cho cả gia tộc của mình được hưởng vinh hoa phú quý, mà có đến nằm mơ cũng khó thấy được. Nhưng lòng người khó đoán, long ý lại càng khó dò. Khi Hán Vũ Đế về già, tâm tính ông thay đổi, trở thành một con người hoàn toàn khác, điều này vô tình đã đẩy Hoàng hậu đoan thục Vệ Tử Phu ngày nào phải tự tìm đến cái chết vong đau thương.
Cái chết oan khuất của Hoàng hậu xinh đẹp tại vị lâu nhất triều đại nhà Hán
Thi hài Vệ Tử Phu chỉ được an táng một cách vội vã với một áo quan nhỏ bên vệ đường phía đông cạnh đại lộ bên ngoài thành Trường An. (Ảnh minh họa).
Về già, Hán Vũ Đế đổi khác trở thành ông vua suốt ngày chỉ biết hưởng lạc. Về phần mình, Vệ Tử Phu tuy đi theo ông nhiều năm, lại chưa từng có một lần làm ông giận, tính khí của nàng lại không bon chen, lúc nào cũng nết na thùy mị nhưng thời gian trôi qua, nàng cũng sớm không còn trẻ đẹp như trước. Hán Vũ Đế bắt đầu chán nàng và sủng ái những phi tần trẻ đẹp khác.
Vào những tháng năm này, Hán Vũ đế bắt đầu có cái tính mê tín dị đoan. Và trong một lần nghe lời gian thần rằng có người đang muốn diệt đế cướp ngôi, ông liền cho người đi điều tra. Sau đó, ông hiểu lầm con trai Lưu Cứ của mình chính là người âm mưu hại cha, vì vậy ông tức giận truất ngôi Thái tử, sai người bắt Lưu Cứ. Biết chuyện, Lưu Cứ bỏ trốn khỏi cung, sống ngoài thành Trường An. Chưa nguôi cơn giận vì Lưu Cứ bỏ trốn được, ông liền quay sang trút giận lên người Vệ Tử Phu. Ông sai người tịch thu phụng ấn của Hoàng hậu, cắt hết bổng lộc của gia tộc họ Vệ. Hoàng hậu uất ức, liền tìm tới cái chết bằng cách tự sát.
Thế là gia tộc họ Vệ một thời lừng lẫy bị diệt vong. Thi hài Vệ Tử Phu chỉ được an táng một cách vội vã với một áo quan nhỏ bên vệ đường phía đông cạnh đại lộ bên ngoài thành Trường An. Đây có thể nói là một cái kết bi thảm nhưng đầy oan khuất của một vị Hoàng hậu có xuất thân ca kỹ, lại đoan chính, hiền thục hơn người, tại vị ngôi Quốc mẫu lâu nhất trong triều đại nhà Hán lên đến 38 năm.