NASA phóng tàu vũ trụ khám phá bí ẩn Mặt Trời năm 2018
NASA có kế hoạch phóng tàu thăm dò không người lái tới Mặt Trời để tìm câu trả lời cho ba bí ẩn lớn về ngôi sao này.
Năm 2018, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) có kế hoạch phóng tàu thăm dò không người lái mang tên Solar Probe Plus tới Mặt Trời, theo Live Science. Trái Đất nằm cách Mặt Trời 149 triệu km, và tàu Solar Probe Plus dự kiến sẽ tiếp cận vị trí cách Mặt Trời 6 triệu km.
"Đây là sứ mệnh đầu tiên của con người bay tới Mặt Trời. Chúng ta không thể tới được bề mặt của Mặt Trời, nhưng tàu vũ trụ sẽ tiếp cận đủ gần để trả lời ba câu hỏi quan trọng", Eric Christian, chuyên gia làm việc tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, cho biết.
NASA gửi tàu vũ trụ Solar Probe Plus tới Mặt Trời vào năm 2018. (Ảnh: Live Science.)
Thứ nhất, sứ mệnh này giúp giải thích lý do khiến bề mặt của Mặt Trời không nóng như bầu khí quyển của nó, hay còn gọi là vành nhật hoa. Bề mặt Mặt Trời có nhiệt độ khoảng 5.500 độ C, trong khi đó, bầu khí quyển phía trên nóng tới 2 triệu độ C.
"Thông thường càng ở xa nguồn nhiệt sẽ càng lạnh hơn. Do đó, việc khí quyển của Mặt Trời nóng hơn bề mặt thực sự là một bí ẩn lớn", Christian nói.
Thứ hai, các nhà khoa học muốn tìm câu trả lời về cách thức tăng tốc của gió Mặt Trời. "Mặt Trời thổi luồng hạt mang điện tích theo tất cả các hướng với vận tốc 1,6 triệu km/h. Nhưng chúng tôi không hiểu làm thế nào mà nó tăng tốc", Christian nói.
Thứ ba, sứ mệnh tàu Solar Probe Plus giúp xác định nguyên nhân khiến Mặt Trời thỉnh thoảng phát ra các hạt năng lượng cao, có thể gây nguy hiểm cho phi hành gia và tàu vũ trụ không được bảo vệ.
Tàu vũ trụ bay ở khoảng cách 6 triệu km so với Mặt Trời gặp khá nhiều thách thức, trong đó chủ yếu là nhiệt độ quá cao. Để xử lý vấn đề này, các nhà khoa học NASA thiết kế một lá chắn bằng vật liệu composite trên nền sợi carbon dày 11,4 cm. Nó có khả năng chịu được nhiệt độ bên ngoài tàu vũ trụ khoảng 1.370 độ C.
Ngoài ra, tàu vũ trụ được trang bị các ống tản nhiệt đặc biệt có khả năng giải phóng lượng nhiệt hấp thụ qua vỏ chắn của tàu vào không gian, nhằm bảo vệ thiết bị điện tử bên trong không bị hư hại.