NASA phóng vệ tinh theo dõi mực nước biển dâng

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch phóng một vệ tinh theo dõi các tác động của biến đổi khí hậu trên các đại dương trên thế giới và thu thập dữ liệu để cải thiện dự báo thời tiết.

Cụ thể, vệ tinh sẽ tiếp tục công việc kéo dài 3 thập kỷ qua của NASA nhằm ghi lại mực nước biển dâng và sẽ cung cấp cho các nhà khoa học cái nhìn chính xác hơn về các đường bờ biển.

Thomas Zurbuchen, người đứng đầu bộ phận khoa học của NASA cho biết: “Khung cảnh đẹp nhất trên đại dương là nhìn từ không gian".


Đây là vệ tinh đầu tiên trong số một cặp vệ tinh tập trung vào đại dương.

Vệ tinh Sentinel-6 Michael Freilich sẽ phóng từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California trên tên lửa SpaceX Falcon 9. Đây là vệ tinh đầu tiên trong số một cặp vệ tinh tập trung vào đại dương, sẽ kéo dài quá trình nghiên cứu của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu về mực nước biển toàn cầu trong 10 năm nữa.

Vệ tinh tiếp theo, Sentinel-6B, sẽ hoạt động sau khoảng 5 năm. Để đo mực nước biển, họ sẽ chiếu tín hiệu điện từ xuống các đại dương trên thế giới và sau đó đo thời gian để chúng phản hồi trở lại.

Theo ông Zurbuchen, khi NASA bắt đầu công việc nghiên cứu mực nước biển dâng vào những năm 1990, các nhà khoa học vẫn tò mò về việc liệu những dự đoán về tác động của biến đổi khí hậu có thành hiện thực.

“Câu hỏi về việc mực nước biển có dâng hay không khi hành tinh nóng lên đã được giải quyết bởi các vệ tinh này, đó không còn là một câu hỏi", ông Zurbuchen nói. “Cũng chắc chắn như trọng lực ngay tại nơi tôi đang ngồi, những đại dương này đang dâng cao và chúng ta cần xử lý những gì ảnh hưởng đến cuộc sống của mình”.

Các nhà khoa học của NASA sẽ có thể thực hiện các quan sát có độ phân giải cao hơn nhiều nhờ có vệ tinh mới, điều này sẽ cho phép dự báo thời tiết chính xác hơn ngay trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Khi một cơn bão lớn phát triển trên biển, mực nước bị dồn lên. Một vệ tinh có thể nhận ra bong bóng nước đang dâng lên đó và sử dụng thông tin đó để dự báo. Các phép đo chi tiết cũng có thể được sử dụng để xem sự thay đổi của mực nước biển gần các đường bờ biển có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc điều khiển tàu và đánh bắt cá thương mại.

Thủy triều đang tiến sâu hơn vào các bờ biển do biến đổi khí hậu. Đó là do nước nở ra khi nóng lên và vì các sông băng và tảng băng trên thế giới cùng tan chảy. Nước xâm thực khiến lũ và triều cường ngày càng trở nên nguy hiểm. Nó cũng nhấn chìm toàn bộ các hòn đảo và cộng đồng ven biển.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất