NASA ra mắt căn nhà mô phỏng sao Hỏa, mời người sống thử 1 năm

Căn nhà mô phỏng cuộc sống trên sao Hỏa mang tên Mars Dune Alpha nằm trong trung tâm nghiên cứu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ở Texas.


Hình ảnh về căn nhà mô phỏng điều kiện sống trên sao Hỏa của NASA. (Ảnh: AFP).

Ngôi nhà này rộng 160 mét vuông gồm bốn phòng ngủ, một phòng tập thể dục và hai phòng tắm. Mars Dune Alpha còn được bố trí một trang trại thẳng đứng để trồng xà lách, một phòng y tế, khu vực giải trí và nơi làm việc.

Xung quanh ngôi nhà được bao phủ bởi nền cát đỏ giống như ở trên sao Hỏa. Khu vực thí nghiệm này cũng có một trạm thời tiết, một chiếc máy làm gạch, một nhà kính nhỏ và một băng chuyền mà các tình nguyện viên sẽ được treo lơ lửng trên đó bằng dây đai.

Danh tính của những người tình nguyện sống trong căn nhà này một năm vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng theo thông báo của NASA ngày 11/4, kể từ tháng 6 tới, bốn người sẽ sống trong không gian này trong hơn một năm để trải nghiệm điều kiện sống trên hành tinh đỏ.

Những người này sẽ giúp các nhà nghiên cứu chuẩn bị tốt hơn cho sứ mệnh tương lai nhằm chinh phục sao Hỏa.

Bà Grace Douglas, người quản lý chương trình Chapea, giám sát thí nghiệm này, cho biết bằng cách đo lường hiệu suất và khả năng nhận thức của các tình nguyện viên, NASA sẽ hiểu rõ hơn về các nguồn lực cần có để lên kế hoạch cho chuyến đi đầy tham vọng sắp tới.

Bà hé lộ rằng việc kiểm soát cân nặng nghiêm ngặt có thể là một yêu cầu quan trọng khi tham gia thử nghiệm này.

Các tình nguyện viên sẽ thường xuyên phải đối mặt với những tác nhân gây căng thẳng, bị hạn chế về nước uống hoặc trục trặc kỹ thuật.

Đáng chú ý, Mars Dune Alpha hoàn toàn được xây dựng bằng công nghệ in 3D. "Đây là một trong những công nghệ mà NASA đang nghiên cứu để có khả năng xây dựng môi trường sống trên bề mặt của các hành tinh khác”, bà Grace Douglas nói.

NASA đang lên kế hoạch cho một chuyến thám hiểm vòng quanh sao Hỏa trong vài năm. Sứ mệnh này có thể diễn ra vào cuối những năm 2030.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất