NASA sắp nghiên cứu vòm đá bí ẩn trên Mặt trăng
NASA sẽ điều khiển thiết bị thăm dò khám phá vòm đá tạo thành từ magma ở Mặt trăng có cấu tạo khác hẳn khu vực xung quanh, theo thông báo hôm 2/6.
Vòm Gruithuisen trên Mặt trăng. (Ảnh: NASA)
Nhiệm vụ Artemis của NASA có mục tiêu chủ chốt là đưa phi hành gia tới Mặt trăng để thiết lập khu định cư dài hạn đầu tiên và tìm hiểu điều kiện cần thiết để chở người tới sao Hỏa. Ngoài ra, chương trình cũng lên kế hoạch cho nhiều hoạt động khoa học, bao gồm phóng hai thiết bị Lunar Vulkan Imaging and Spectroscopy Explorer (Lunar-VISE) và Lunar Explorer Instrument for space biology Applications (LEIA) tới Mặt trăng để khám phá vòm Gruithuisen, đặc điểm địa chất khiến giới nghiên cứu bối rối suốt nhiều năm qua. Bộ đôi thiết bị sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng cho các nhà khoa học NASA.
Theo Joel Kearns, phó giám đốc khám phá ở Ban chỉ đạo nhiệm vụ khoa học của NASA, nghiên cứu đầu tiên sẽ tìm hiểu dấu vết quá trình địa chất của các thiên thể ở thuở sơ khai được lưu giữ trên Mặt trăng thông qua xem xét một dạng núi lửa hiếm. Nghiên cứu thứ hai sẽ khám phá tác động của lực hấp dẫn thấp trên Mặt trăng và môi trường bức xạ đối với nấm men, thông qua đó xác định tổn thương ADN và cách sửa chữa.
Lunar-VISE sẽ thăm dò đỉnh của vòm Gruithuisen trong 10 ngày. Giới nghiên cứu cho rằng vòm Gruithuisen ra đời từ một loại magma dính nhớp giàu silica với thành phần giống granite. Lunar-VISE sẽ tìm hiểu những vòm này hình thành như thế nào mà không cần nước lỏng hoặc kiến tạo mảng. Đây là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học vũ trụ.
Quan sát từ tàu quay quanh quỹ đạo Lunar Reconnaissance (LRO) xác nhận vòm Gruithuisen khác hẳn địa hình xung quanh vốn bị bao phủ bởi dòng dung nham bazan cứng lại từ thời cổ đại. Điều khiến giới nghiên cứu khó hiểu là magma chứa silic hình thành trên Mặt trăng bằng cách nào. Trên Trái Đất, núi lửa silic thường hình thành khi tồn tại hai điều kiện là nước và kiến tạo mảng. Nhưng trên Mặt trăng lại không có những điều kiện cốt yếu này.
Thiết bị LEIA sẽ tiến hành nghiên cứu sinh học trên Mặt trăng bằng cách cung cấp nấm men Saccharomyces cerevisiae và tìm hiểu nó phản ứng như thế nào với bức xạ và trọng lực của Mặt trăng. Dữ liệu do nhiệm vụ thu thập sẽ bổ trợ cho thông tin từ những nghiên cứu sinh học trước đây, giúp các nhà khoa học xác định ảnh hưởng của bức xạ và trọng lực tới cơ thể người.
- Tại sao các nhà khoa học lấy đất trên Mặt trăng đem về Trái đất còn ở sao Hỏa thì không?
- Phát hiện loài người khác xây "bảo tàng nghệ thuật" 65.000 tuổi ở Tây Ban Nha
- Giải mã hiện tượng “ma đưa” và kỹ năng thoát hiểm khi bị lạc trong rừng