NASA tìm ra "hành tinh mới kỳ lạ" bên ngoài hệ Mặt Trời
Hành tinh kỳ lạ này khá "mát mẻ" và có kích thước nhỏ: hai đặc tính khiến các nhà khoa học cảm thấy kỳ lạ khi phát hiện ra nó bên ngoài hệ Mặt Trời.
Hành tinh mới được tìm thấy có tên gọi HD 21749b là hành tinh thứ ba được tìm thấy bởi Vệ tinh Khảo sát Hành tinh Chuyển động TESS, thiết bị săn tìm hành tinh mới của NASA. Hành tinh kỳ lạ này cách Trái Đất chỉ 53 năm ánh sáng, và quay quanh một ngôi sao trên quỹ đạo khá ngắn, chỉ tốn 36 ngày để hoàn thành một vòng.
Hành tinh mới có tên gọi HD 21749b là hành tinh thứ ba được tìm thấy bởi TESS.
Dù vậy, hành tinh mới này vẫn khá "mát mẻ", với mức nhiệt chỉ 300 độ Fahrenheit (khoảng 149 độ C). Do đó, đây sẽ là cơ hội tốt để các nhà khoa học tìm hiểu về các hành tinh nhỏ và ôn hòa như vậy.
"Đó là hành tinh nhỏ mát nhất quay quanh một ngôi sao sáng như vậy mà chúng tôi biết", Diana Dragomir, một nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Viện nghiên cứu Không gian và Vật lý Vũ trụ Kavli của MIT, người dẫn đầu của khám phá này cho biết.
"Chúng tôi đã biết rất nhiều về khí quyển của các hành tinh nóng, nhưng vì rất khó để tìm những hành tinh nhỏ vỡi quỹ đạo cách xa ngôi sao của chúng, nên chúng tôi vẫn chưa thể tìm hiểu về các hành tinh nhỏ và mát hơn. Nhưng chúng tôi đã rất may mắn khi tìm được hành tinh này và có thể nghiên cứu chi tiết hơn về nó".
Đây chính là hành tinh có kích thước gần với chúng ta nhất được tìm thấy bởi vệ tinh TESS. Mặc dù các nhà khoa học cho biết hành tinh mới này khá nhỏ và là một hành tinh khí, nhưng nó vẫn rất lớn so với Trái Đất, với kích thước gấp 3 lần, và có khối lượng gấp 23 lần. Và dù là hành tinh khí nhưng với những con số trên, nó có thể sẽ không quá giống sao Hải Vương hoặc sao Thiên Vương.
"Chúng tôi nghĩ hành tinh mới sẽ không mang quá nhiều tính chất khí như sao Hải Vương hoặc sao Thiên Vương, được tạo thành phần lớn từ hydro và căng phồng", ông Dragomir cho biết. "Hành tinh mới này có khả năng xuất hiện tích tụ nước hoặc một bầu khí quyển dày".