New Zealand cấp phép thử nghiệm thiết bị bay cá nhân
Các nhà phát triển động cơ phản lực cá nhân cho biết cơ quan quản lý hàng không New Zealand vừa cấp phép cho họ thử nghiệm thiết bị bay.
Theo Peter Coker, Tổng giám đốc điều hành Martin Aircraft, việc giành được giấy phép này là một đột phá lớn trong quá trình phát triển hệ thống bay cá nhân mà công ty hy vọng bất đầu thương mại hóa vào năm tới.
Ảnh: facebook
Lấy cảm hứng từ các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi như "Thunderbirds" và "Lost in Space", đầu thập niên 1980, nhà phát minh Glenn Martin đã nảy sinh ý tưởng tạo ra một động cơ phản lực thích hợp sử dụng cho những người bình thường không cần trải qua bất kỳ khóa đào tạo phi công nào.
Động cơ phản lực bao gồm một cặp xy-lanh có các quạt đẩy gắn với một bộ khung làm bằng sợi carbon siêu nhẹ. Người lái sẽ vào bên trong khung phản lực, thắt dây an toàn và kiểm soát nó với hai cần điều khiển. Ông Coker cho biết phiên bản mới nhất mang tên P12 được thiết kế cải tiến rất nhiều so với các phiên bản trước kia. "Việc thay đổi vị trí của các ống dẫn đã tạo ra một sự đột phá về hiệu suất so với sản phẩm nguyên mẫu, đặc biệt là khả năng cơ động của máy" – ông Coker nói.
Theo ông Coker, động cơ phản lực phiên bản đặc biệt được thiết kế dành riêng cho quân đội và các lực lượng cứu hộ sẽ được chuyển giao vào giữa năm 2014, trong khi phiên bản đơn giản hơn dành cho người bình thường dự kiến sẽ có mặt trên thị trường năm 2015. Giá mỗi bộ động cơ phản lực cá nhân ước tính dao động từ 150.000-250.000 USD.