Ngăn chặn chim tấn công máy bay
Đèn phát tia cực tím có thể giảm thiểu tình trạng đối đầu nguy hiểm giữa chim chóc và máy bay.
Dù hết sức nhỏ bé trước con chim sắt khổng lồ, chim chóc có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho tài sản của con người, đó chưa kể trường hợp tệ nhất là khiến máy bay rơi. Nay, các chuyên gia phát hiện chỉ cần lắp thêm một loại đèn đặc biệt là đã có thể ngăn chặn những cuộc chạm trán trên không.
Chim chóc có thể hạ gục một máy bay lớn gấp nhiều lần kích thước của nó
Điểm mấu chốt trong cuộc nghiên cứu trên chính là cách loài lông vũ quan sát thế giới không giống như qua lăng kính của mắt người. Đội ngũ chuyên gia, dẫn đầu là nhà sinh học hoang dã Bradley Blackwell làm việc cho Bộ Nông nghiệp Mỹ, đã tập trung nghiên cứu loài ngỗng Canada, thủ phạm tấn công máy bay nhiều nhất từ năm 1990 đến 2010 theo thống kê của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA).
Theo đó, loài ngỗng này có tầm quan sát rộng hơn con người. Và chúng cũng thấy được ánh sáng cực tím, một phần của quang phổ trường điện từ hoàn toàn vô hình trước con người. Kết luận rút ra là ngỗng nhìn máy bay không khác chi kẻ thù tiềm năng, và các chuyên gia đề nghị nên tăng cường cảnh báo bằng cách lắp thêm đèn phát tia cực tím trên các máy bay.
Những vụ va chạm giữa chim chóc và máy bay có thể gây nên hậu quả thảm khốc, vì đâu phải ai cũng gặp may như sự kiện nổi tiếng “Điều thần kỳ trên sông Hudson” vào năm 2009. Khi đó, phi công buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson ở New York sau khi các động cơ bị phá hủy vì chim chóc đâm đầu vào.
Kể từ năm 1988, ít nhất 219 người thiệt mạng trên toàn thế giới trong các vụ đụng độ giữa loài chim và máy bay, theo Ủy ban Chim chóc tấn công của Mỹ. FAA cũng cho biết đã có hơn 108.000 trường hợp chim đâm vào máy bay trong 19 năm qua tại Mỹ. Và trung bình có khoảng 20 vụ/ngày từ năm 2004 đến 2008. Trước nay giới chức an toàn hàng không thường chú trọng công tác đuổi chim khỏi phi trường, nhưng ít ai lưu ý chuyện phải bảo vệ máy bay khi đang di chuyển trên không. Và cuộc nghiên cứu trên đã cung cấp một giải pháp hiệu quả cho tình trạng này, theo báo cáo đăng trên chuyên san Journal of Applied Ecology.