Nghi vấn vỏ Trái đất dịch chuyển sau thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên
Một trong những thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên có thể làm phát sinh dư chấn mạnh đến mức làm di chuyển lớp vỏ Trái Đất và gây ra dư chấn ngày 9/12, cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết.
Theo Reuters, thử nghiệm đầu tháng 9/2017 có thể là nguyên nhân gây ra hai rung động được phát hiện ngày 9/12/2017 ngần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Dù những rung động này khá nhỏ, chỉ có cường độ khoảng 2,9 và 2,4 độ richter, chúng vẫn đủ mạnh để dịch chuyển hành tinh theo đúng nghĩa đen.
Dữ liệu dạng sóng của thử nghiệm hạt nhân Triều Tiên từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. (Ảnh: Reuters).
“Đó có thể là tác động mở rộng của thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6”, một nhân viên USGS trả lời Reuters. Theo nhân viên này, khi có một thử nghiệm hạt nhân lớn, nó sẽ làm dịch chuyển lớp vỏ Trái Đất xung quanh khu vực và sẽ mất một thời gian để nó giảm hoàn toàn.
Theo Reuters, các địa chấn có vẻ như đến từ thử nghiệm bom H được thực hiện vào ngày 3/9 ở Triều Tiên. Các chuyện gia đánh giá vũ khí này mạnh gấp 10 lần so với quả bom nguyên tử được Mỹ thả xuống Hiroshima Nhật Bản năm 1945.
Cũng theo hãng tin này, các thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2017 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường khu vực. Thử nghiệm ngày 3/9 tạo ra trận động đất mạnh 6,3 độ richter được cho là làm sụp đổ những tòa nhà gần đó. Chất phóng xạ thải ra từ các thử nghiệm ở Punggye-ri cũng được cho là khiến người dân gặp phải vấn đề về sức khỏe.