Nghiên cứu chỉ ra: Một tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ? Đúng hay sai?

Cà phê là một đồ uống được nhiều người yêu thích và ngày càng thu hút sự quan tâm đặc biệt về lợi ích cho sức khỏe của nó. Vậy cà phê có thực sự giảm nguy cơ đột quỵ không? Khi thưởng thức hương vị và những lợi ích có thể đến từ việc uống cà phê, chúng ta cần chú ý đến những điều gì?

Nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa cà phê và nguy cơ đột quỵ

Cà phê là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới, nó chứa caffeine và nhiều thành phần sinh học khác nhau như polyphenol và niacin. Thông thường, một tách cà phê đen pha không thêm kem hoặc đường (240g) cung cấp 2,4 calo, 0,3g protein, 0g carbohydrate và 0g chất béo, đồng thời cũng là một nguồn cung cấp kali và magie dồi dào.

Trên thực tế, khoa học hiện đại đã chỉ ra, uống cà phê một cách vừa đủ có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ tiểu đường, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản được công bố trên chuyên san Stroke: Journal of the American Heart Association, những người uống một cốc cà phê mỗi ngày có thể giảm 20% nguy cơ đột quỵ so với những người không uống cà phê.


Nghiên cứu của Nhật Bản chỉ ra, những người uống một cốc cà phê mỗi ngày có thể giảm 20% nguy cơ đột quỵ so với những người không uống cà phê. (Ảnh minh họa: Internet)

Tiến sĩ Yoshihiro Kokubo thuộc Trung tâm Tim mạch và não quốc gia Nhật Bản cho biết, nhóm nghiên cứu do ông chủ trì đã khảo sát 83.269 người trưởng thành ở nước này về thói quen uống cà phê. Nhóm nghiên cứu cũng theo dõi họ trong thời gian bình quân 13 năm. Cuộc nghiên cứu cho thấy, những người uống ít nhất một tách cà phê mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 20% so với những người ít uống loại nước này. Đồng thời, những người uống ít nhất một tách cà phê mỗi ngày còn có thể giảm 32% nguy cơ xuất huyết não so với những người khác...

Những lưu ý cần biết khi uống cà phê

Dù sở hữu nhiều lợi ích với sức khỏe, cà phê cũng không hoàn toàn "vô hại". Uống cà phê quá mức có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ, tim đập nhanh và vấn đề về hệ tiêu hóa. Vì vậy, để đạt được lợi ích sức khỏe tối đa và tránh nguy cơ tiềm ẩn, chúng ta cần biết một số lưu ý sau đây khi uống cà phê.

1. Kiểm soát liều lượng mỗi ngày: Uống cà phê vừa phải là chìa khóa quan trọng nhất để đem tới lợi ích cho cơ thể. Nói chung, mức uống hàng ngày từ 1-2 cốc cà phê, tùy thể trạng mỗi người. Nếu xuất hiện các triệu chứng không thoải mái, bạn nên giảm liều lượng xuống để tránh gây ra tác động tiêu cực đến cơ thể.

2. Hiểu rõ cơ địa cá nhân: Mỗi người sẽ có mức độ nhạy cảm với caffeine khác nhau, do đó, cùng liều lượng, một số người có thể không gặp vấn đề gì, nhưng số khác lại dễ bị kích thích bởi caffeine và gặp các triệu chứng không thoải mái. Nếu bạn nhạy cảm với caffeine hoặc dễ bị khó chịu, nên dần dần thích ứng với lượng caffeine thật ít, sau đó có thể tăng dần tùy theo thể trạng và tránh dùng quá liều.


Nếu xuất hiện các triệu chứng không thoải mái, bạn nên giảm liều lượng xuống để tránh gây ra tác động tiêu cực đến cơ thể. (Ảnh minh họa: Internet).

3. Chú ý đến thời điểm uống: Các chuyên gia không khuyến khích uống cà phê trước khi đi ngủ để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, không nên uống cà phê khi đói, để tránh kích thích niêm mạc dạ dày. Thích hợp nhất là bạn nên uống cà phê sau bữa ăn.

4. Lựa chọn loại cà phê phù hợp: Loại và cách chế biến cà phê cũng ảnh hưởng đến thành phần và hương vị của nó. Nói chung, cà phê chưa lọc chứa nhiều thành phần có lợi như polyphenol và niacin. Ngược lại, cà phê đã được lọc có ít tạp chất và dầu, mang lại hương vị trong sáng hơn. Bạn có thể chọn loại cà phê phù hợp với khẩu vị cá nhân.

5. Chú ý đến chất lượng nước: Chất lượng nước cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Sử dụng nước đã qua lọc hoặc nước khoáng chất lượng tốt để pha cà phê có thể giúp chiết xuất hương vị và thành phần dinh dưỡng từ hạt cà phê một cách tốt nhất.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất