Nghiên cứu cho thấy chồng hơn vợ 10 tuổi thì sẽ sống thọ hơn bình thường
Trước đó, suốt một thời gian dài các nhà khoa học cho rằng vấn đề "chọn bạn đời theo sức khoẻ" có vai trò quan trọng.
Một nghiên cứu của Viện khoa học hàn lâm Max Planck (Đức) vào năm 2010 đã cho thấy rằng khoảng cách về độ tuổi giữa những cặp vợ chồng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tuổi thọ của cả hai người. Cụ thể, các nhà khoa học đều đồng tình rằng hôn nhân giúp cải thiện tuổi thọ của con người nhưng nó chỉ áp dụng đối với những trường hợp nhất định, thậm chí là chỉ đối với đấng mày râu là chủ yếu.
Tài tử Bruce Willis (60 tuổi) và vợ Emma Heming (37 tuổi).
Chuyên gia nghiên cứu Sven Drefahl - tác giả của dự án này - cho biết anh cùng các đồng nghiệp đã dựa vào hồ sơ bệnh lý của hơn 2 triệu cặp vợ chồng tại Đan Mạch và họ tập trung vào độ tuổi qua đời của những người đã chết, mức độ chênh lệch tuổi tác giữa vợ và chồng. Kết quả thu được đã khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí nó còn phản bác lại một quan niệm cho rằng nếu những người đàn ông lấy vợ trẻ sẽ sống lâu hơn thì theo suy luận logic những bà vợ có chồng trẻ cũng sống lâu hơn.
Đối với nam giới, nếu họ kết hôn với những phụ nữ trẻ hơn mình từ 7 đến 11 tuổi thì tỷ lệ tử vong giảm từ 9% đến 11% so với những người khác. Nhóm nghiên cứu cho rằng, đàn ông lấy vợ trẻ hơn sẽ có cơ hội tăng tuổi thọ do nhận được sự chăm sóc của người vợ khi đến tuổi già. Trong khi đó, phái đẹp lại không có được những "quyền lợi" kỳ lạ như vậy khi mà kết quả cho thấy những phụ nữ kết hôn chồng trẻ hơn từ 7 đến 9 tuổi có nguy cơ đột tử cao hơn 20% so với những người kết hôn với đàn ông bằng tuổi. Những người lập gia đình với những anh chàng kém 15 tuổi trở lên, tỷ lệ nguy hiểm tăng lên hơn 30%.
Trước đó, suốt một thời gian dài các nhà khoa học cho rằng vấn đề "chọn bạn đời theo sức khoẻ" có vai trò quan trọng: những ai lấy vợ hoặc chồng trẻ hơn mình đều bị chết sớm bởi thông thường đã trẻ hơn thì sống lâu hơn. Ngoài ra, nhiều người cũng đưa ra giả thiết là chồng hoặc vợ càng trẻ thì thì sẽ gây ra hiệu ứng tâm lý và xã hội tích cực đến người chồng hoặc vợ già hơn, chăm sóc đến chồng hoặc vợ tốt hơn và làm người bạn đời của mình sống thọ hơn. Theo Drefahl, lý thuyết này cần phải xét lại khi mà "các nguyên nhân ảnh hưởng đến tuổi thọ xuất phát về sự chênh lệch tuổi tác giữa chồng và vợ hoàn toàn chưa rõ ràng và không đơn giản như vậy".
Biểu đồ thể hiện sự tương quan giữa tỷ lệ tử vong và chênh lệch tuổi trong hôn nhân.
Nói chi tiết hơn, Sven Drefahl đã nhận định rằng mối quan hệ xã hội giữa nam giới và nữa trong cuộc sống hàng ngày sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định vấn đề này. Thông thường, những người phụ nữ thường sẽ có những tình bạn đặc biệt bên cạnh cuộc hôn nhân của mình, từ đó họ sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và đồng cảm từ phía bạn bè hơn là người chồng. Thêm vào đó, phụ nữ lấy chồng trẻ thường phải đối mặt với nhiều vấn đề căng thăng hơn so với những người khác khi mà cuộc hôn nhân của họ sẽ bị chỉ trích là đi ngược lại thói quen của xã hội. Dĩ nhiên, nếu họ kết hôn với người cùng tuổi thì vấn đề này coi như đã được giải quyết.
Trong khi đó, nam giới lại không phải là những người có quá nhiều mối quan hệ kiểu bạn bè thân thiết như vậy nên anh ta sẽ có xu hướng quan tâm đến vợ của mình hơn. Đặc biệt, những người đàn ông kết hôn với phụ nữ trẻ thường có xu hướng gần gũi người phụ nữ của mình hơn vì họ thường có ý nghĩ về việc chiều chuộng và nâng niu phái đẹp. Điều này dẫn tới việc khi về già thì vợ sẽ có xu hướng chăm sóc chồng một cách chu đáo để anh ta sống được lâu hơn.
Tác giả Sven Drefahl cũng kết luận rằng, nghiên cứu này không có mục đích chỉ trích những cuộc hôn nhân chênh lệch về tuổi mà cán cân lại nghiêng về phía nữ giới, nó chỉ thể hiện ảnh hưởng của các quan điểm xã hội về hôn nhân sẽ có thể gây ra những hệ quả gì.