Nghiên cứu nhận định nắng nóng khắc nghiệt sẽ là xu hướng chung tại châu Âu đến năm 2030
Từ nay đến năm 2030, nắng nóng khắc nghiệt sẽ là xu hướng chung tại châu Âu vào những mùa hè tới.
Theo phân tích được công bố ngày 25/8, đợt nắng nóng kỷ lục quét qua châu Âu năm nay sẽ trở thành xu hướng quy chuẩn của mùa hè đến năm 2035, ngay cả khi tất cả các quốc gia đều cam kết sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Một phân tích của Trung tâm Hadley, Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) do Nhóm Tư vấn Khủng hoảng Khí hậu (CCAG) phát động đã xem xét diễn biến thay đổi nhiệt độ nhanh trong khu vực bằng cách sử dụng lịch sử ghi chép nhiệt độ trung bình trong các mùa hè từ năm 1850 đến nay, đồng thời so sánh với các dự đoán về mô hình khí hậu.
Tất cả các đợt nắng nóng đều là tín hiệu của biến đổi khí hậu do con người gây ra. (Ảnh minh họa: CNN)
Về lâu dài, phân tích cho thấy một mùa hè trung bình ở Trung Âu vào năm 2100 sẽ nóng hơn 4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học khẳng định tất cả các đợt nắng nóng đều là tín hiệu của biến đổi khí hậu do con người gây ra, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch.
"Dữ liệu phân tích đóng vai trò như một lời nhắc nhở khẩn cấp về việc các quốc gia cần phải làm nhiều hơn điều họ đang cam kết đến nay theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu với mục tiêu giảm nhiệt độ đi 2 độ C hoặc 1,5 độ C", CCAG cho biết trong một thông cáo.
Vương quốc Anh đã lập kỷ lục nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay vào tháng 7/2022 sau khi lần đầu tiên ghi nhận nhiệt độ hơn 40 độ C. Các kỷ lục nhiệt độ tiếp tục ghi nhận ở những quốc gia châu Âu khác là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp khiến những nước này đang phải đối mặt với cháy rừng vì nắng nóng và hạn hán. Trước đó, Đài quan sát Hạn hán châu Âu cũng đã công bố 60% diện tích của châu Âu và Vương quốc Anh hiện đang trong tình trạng hạn hán.
"Vào năm 2003, hậu quả của những đợt nắng nóng kéo dài ở châu Âu đã khiến 70.000 người tử vong. Tôi dự đoán mức nhiệt như vậy sẽ tiếp tục duy trì và trở thành tiêu chuẩn lâu dài khi quá trình phát thải carbon vẫn tiếp tục. Dự báo đó giờ đã trở thành hiện thực", ông Peter nói.
"Rủi ro về khí hậu khắc nghiệt, bao gồm hỏa hoạn, hạn hán và lũ quét sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng trừ khi lượng phát thải từ hiệu ứng nhà kính giảm đáng kể", ông Peter Stott từ Trung tâm Hadley, Met Office nhận định.
Cam kết từ Hiệp định Paris
Các phát hiện mới được công bố trước thềm hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP 27 diễn ra tại Ai Cập vào thời gian tới. Trong năm ngoái tại COP26, các quốc gia đã đồng ý điều chỉnh kế hoạch phát thải với mục tiêu giảm đi sự nóng lên toàn cầu.
Một phân tích của Cơ quan Theo dõi Hành động Khí hậu năm ngoái cho biết không có bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới, bao gồm toàn bộ G20, có kế hoạch đáp ứng các nghĩa vụ theo Thỏa thuận Paris. Để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu, CCAG đang thuyết phục các quốc gia cắt giảm lượng phát thải một cách "khẩn cấp, mạnh mẽ và nhanh chóng" nhằm loại bỏ carbon dioxide và các loại khí thải từ hiệu ứng nhà kính khác với số lượng lớn để giảm đáng kể tổng số lượng phát thải cộng lại.
Hướng đến mục tiêu như vậy, phân tích khẳng định thế giới nên điều chỉnh những điều chưa làm được trong kiểm soát khí hậu, bắt đầu từ Bắc Cực. Theo CCAG, để mang đến một tương lai có thể kiểm soát được, thế giới phải "tái đông lạnh" Bắc Băng Dương trong bối cảnh đại dương này đang ghi nhận ấm lên 3,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp và đang làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp thế giới.
Chủ tịch CCAG - ông David King nói rằng khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng thời tiết cực đoan là hệ lụy do biến đổi khí hậu và một phần lớn là do con người gây ra.
"Dữ liệu do Met Office công bố ngày 25/8 cũng nhấn mạnh ngay cả khi các quốc gia đáp ứng cam kết giảm lượng khí thải theo tuyến bố từ trước đến nay thì tình hình vẫn có thể tồi tệ hơn, trong đó dự báo khí hậu châu Âu sẽ còn khắc nghiệt hơn nữa trong thời gian tới", ông nói. "Dữ liệu này không giải thích đầy đủ về sự bất ổn biến đổi khí hậu đối với Bắc Cực. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Bắc Cực là điểm giới hạn toàn cầu có thể gây ra hậu quả lớn cho cả hành tinh do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu".
- Sự nguy hiểm của mùa thu "giả" ở nước Anh
- Nắng nóng ở Trung Quốc làm tôm tự chín trên đường từ chợ về nhà
- "Vành đai nhiệt khắc nghiệt" đe dọa 100 triệu người ở Mỹ