Nghiên cứu thành công vắcxin điều trị ung thư
Các nhà khoa học thuộc Đại học Nottingham (Anh) vừa nghiên cứu thành công một loại vắcxin mới có thể điều trị khối u ác tính của căn bệnh ung thư da rất nguy hiểm.
Nếu như loại vắcxin này được thử nghiệm thành công trên quy mô lớn, hy vọng có thể điều chế thành nhiều phiên bản khác nhau để tấn công các loại ung thư khác như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, đồng thời giúp phòng tránh các loại bệnh tật, qua đó trở thành “linh đơn vạn năng” trong điều trị ung thư.
Giáo sư Durrant thuộc Đại học Nottingham, phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu trên là rất tuyệt vời. Loại vắcxin mà chúng ta có được hiện tại không chỉ có thể tấn công mà còn có thể tiêu diệt khối u và không gây tổn hại đến các tổ chức hoặc tế bào khỏe mạnh xung quanh. Loại vắcxin này trong thời gian ngắn có thể điều trị một bộ phận bệnh nhân ung thư, về lâu dài có thể giúp con người phòng tránh ung thư ngay từ đầu.”
Theo giáo sư Sicora, chuyên gia về ung thư, “đây là loại vắcxin thông minh, trong tương lai nó có thể giúp nâng cao tỷ lệ chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư.”
Trong thành phần của loại vắcxin mới này có chứa DNA và các mảnh vỡ của khối u nhằm khởi động và tấn công tế bào miễn dịch đặc biệt của khối u ác tính.
Được biết, cuộc thí nghiệm vắcxin mới này sẽ được tiến hành tại bệnh viện Manchester, Nottingham và Newcastle. Nếu thành công, nó sẽ được bán ra thị trường trong vòng 10 năm tới./.