Ngọn hải đăng nghìn năm không tắt: Cao hơn 90m, đứng cách xa gần 55km vẫn nhìn thấy
Được xây dựng ở thành phố mang tên Alexander Đại đế, ngọn hải đăng này đã chiếu sáng hơn nghìn năm để dẫn đường cho các con tàu vào bến cảng Ai Cập.
Ngọn hải đăng Alexandria.
Đó là ngọn hải đăng Alexandria, được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Ngọn hải đăng kỳ lạ cùng thành phố Alexandria có liên quan mật thiết đến Alexander Đại đế, một trong những danh tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử.
Alexander Đại đế (356 TCN - 323 TCN) là con trai vua Philippos II của Macedonia và người vợ thứ tư, công chúa Olympias xứ Ipiros. Ông được coi là một đại đế, thiên tài quân sự bất khả chiến bại, người để lại nhiều dấu ấn về chính trị và những bài học quân sự quý báu cho hậu thế.
Ngay từ khi ở độ tuổi 20, Alexander Đại đế đã lập được rất nhiều chiến công hiển hách, trở thành vị vua trị vì đế quốc Marcedonia, đồng thời làm chủ nhiều vùng đất rộng lớn. Trong khoảng 10 năm tiếp theo, nhà thiên tài quân sự này đã thống lĩnh đại quân của mình, lần lượt chinh phục những vùng đất rộng lớn như Hy Lạp, Ai Cập... để góp phần tạo nên một đế quốc rộng lớn và vĩ đại.
Alexander Đại đế được coi là một trong những thiên tài quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử. (Ảnh: Wp)
Vào năm 331 TCN, khi đi qua miền bắc Ai Cập, Alexander Đại đế đã thành lập một thành phố mang tên mình. Chưa đầy 3 năm, kể từ khi bắt đầu chiến dịch chinh phạt người Ba Tư, Alexander Đại đế đã nắm được quyền kiểm soát khu vực ven biển phía đông của Địa Trung Hải.
Tại khu vực đồng bằng sông Nile, vị vua của Marcedonia đã quyết định thiết lập nên một cảng biển nhằm đảm bảo quyền kiểm soát các vùng biển của mình, đồng thời lập một trung tâm thương mại để thay thế thành phố Tyre của Phoenicia, nơi mà ông vừa mới san phẳng.
Alexander Đại đế nhanh chóng tìm thấy một vị trí hoàn hảo cho thành phố mới. Đó là một dải đất nối với sông Nile qua nhánh cực tây của khu vực đồng bằng, và được bảo vệ bởi hồ Maryut nằm ở phía nam.
Trong cuốn tiểu sử về Alexander Đại đế, nhà sử học Hy Lạp Plutarch đã ghi chép lại một sự kiện đáng ngại trong quá trình quy hoạch thành phố. Theo đó, khi quan sát bản thiết kế bố trí những con đường và kênh của thành phố mới, Dinocrates, kiến trúc sư của Alexander, vì không có viên phấn nào ông đã dùng tạm bột lúa mạch để thay thế.
Thế nhưng khi Dinocrates vừa hoàn thành công việc của mình chưa bao lâu thì có một đàn chim đông đúc xuất hiện khiến bầu trời tối sầm lại và chúng ăn ngấu nghiến hết chỗ bột mì. Ban đầu, Alexander lo lắng vì cho rằng đó là điềm xấu, nhưng những nhà tiên tri lại nói với ông rằng đó là dấu hiệu cho thấy thành phố mới sẽ cung cấp nguồn sống cho cả thế giới.
Thành phố Alexandria cần một ngọn hải đăng
Vị trí của thành phố Alexandria, nơi có ngọn hải đăng nổi tiếng trong thế giới cổ đại. (Ảnh: NatGeo)
Thành phố Alexandria có hình dạng gần giống một hình chữ nhật hoàn hảo giữa biển và hồ Maryut. Những du khách đương thời đã so sánh thành phố này với chlamys, một chiếc áo choàng của người Hy Lạp cổ đại.
Alexandria nhận được nguồn cung cấp nước thông qua một con kênh nối với nhánh Canopic của khu vực đồng bằng sông Nile. Trên thực tế, hệ thống cống rãnh cũng như đại lộ rộng rãi của thành phố Alexandria là rất hiếm ở phía đông Địa Trung Hải. Thành phố này được chia thành 5 khu vực. Tuy nhiên, gần 1/4 phần khu vực mở rộng lại là thuộc vị trí của các cung điện và khu vườn của hoàng gia.
Ở Alexandria, cảng sâu nên thích hợp cho các tàu có mớn nước lớn. Thực tế, cảng ở thành phố này được bảo vệ bởi các đảo trước những cơn gió nguy hiểm tới từ phương Bắc.
Tuy nhiên, do không có la bàn hay công cụ điều hướng nên thật khó để tìm ra hướng đi bằng cách quan sát đường bờ biển. Hơn nữa, trong khu vực xung quanh đồng bằng sông Nile lại không có núi hoặc vách đá, và bờ biển chỉ là những đầm lầy và sa mạc trải dài tới vô tận. Trong khi đó, mảnh đất lại thấp đến nỗi như đang ẩn mình ở sau biển.
Ngoài ra, có một yếu tố tự nhiên tiềm ẩn nguy hiểm khác chính là một dải đất rộng lớn hầu như không ngập nước, nhưng không ai có thể nhìn thấy nếu như không quen thuộc với vùng biển ven bờ.
Thực tế, nhiều thủy thủ nhận thấy rằng họ phát hiện ra dải đất khi nghĩ mình sắp cập bến, nhưng hậu quả là tàu của họ sẽ bị mắc cạn trên dải đất này. Đặc biệt, rào cản khó khăn cuối cùng lại là dải đá ngầm kéo ở phía trước Alexandria, có thể gây ra nguy hiểm chết người cho các thủy thủ và tàu đang cập bến nếu như gió không thuận lợi. Do đó, cảng ở Alexandria cần có một ngọn hải đăng, nhưng không phải là ngọn hải đăng nào cũng được.
Giấc mơ của Alexander Đại đế và ngọn hải đăng kỳ lạ
Vị trí của ngọn hải đăng ở Alexandria đã được lựa chọn một cách cẩn thận. Ở ngoài khơi Alecandria là một hòn đảo nhỏ tên là Pharos. Nơi đây được tôn vinh trong văn hóa Hy Lạp vì tại Pharos, Menelaus là một trong những chiến binh Hy Lạp trong sử thi Iliad và Odyssey, đã mắc kẹt khi trở về từ cuộc chiến thành Troy.
Sử gia Plutarch cho biết, chính nhà thơ Homer, tác giả của Iliad và Odyssey, đã xuất hiện ở trong những giấc mơ của Alexander Đại đế để nói về hòn đảo Pharos: "Bây giờ, ở ngoài khơi bờ biển Ai Cập, có một hòn đảo nằm nhấp nhô trong sóng dữ giữa đại dương. Họ gọi nó là Pharos... Có một bến cảng nhỏ xinh ở nơi đó".
Khi Alexander Đại đế tỉnh dậy, ông bắt đầu tìm kiếm hòn đảo và khi thấy nó, ông đã nói rằng, Homer không chỉ là nhà thơ đáng ngưỡng mộ mà còn là một kiến trúc sư rất khôn ngoan.
Nơi được chọn để xây dựng ngọn hải đăng chính là ở phần cực tây của Pharos. Tháp hải đăng chính là một công trình kiến trúc kỳ lạ. Nó được lấy lên của hòn đảo Pharos. Từ đó, pharos có nghĩa là "ngọn hải đăng" trong tiếng Hy Lạp.
Tranh vẽ ngọn hải đăng ở Alexandria. (Ảnh: NatGeo)
Người khởi xướng xây dựng ngọn hải đăng này là Ptolemy I Soter, một vị tướng dưới trướng của Alexander Đại đế, đồng thời cũng chính là một nhà quý tộc Macedonia, giành được quyền kiểm soát Ai Cập sau cái chết đầy bí ẩn của Alexander vào năm 323 TCN.
Dự án xây dựng ngọn hải đăng được hoàn thành dưới thời kỳ trị vì của con trai ông là Ptolemy II Philadelphus.
Ngọn hải đăng ở Alexandria trông rất tráng lệ, với chi phí xây dựng lên tới 800 talent (tương đương với khoảng 23 tấn bạc), ngốn khoảng 1/10 toàn bộ ngân khố của nhà vua.
Ngọn hải đăng đặc biệt này đã thực hiện nhiệm vụ của nó một cách hoàn hảo. Cụ thể, vào ban ngày, các thủy thủ có thể sử dụng ngọn hải đăng để điều hướng. Khi đêm đến, họ cũng có thể phát hiện ra bến cảng một cách an toàn nhờ ánh sáng phát ra từ ngọn hải đăng.
Do cao hơn 90 m nên các thủy thủ có thể nhìn thấy ngọn hải đăng từ cách đó gần 55 km.
Đặc biệt, ngọn lửa cháy ở trên đỉnh ngọn hải đăng sáng đến mức có thể nhầm với một ngôi sao trong đêm tối. Chỉ riêng làn khói bốc lên cũng đã khiến các thủy thủ có thể nhìn thấy ngọn hải đăng từ rất xa vào ban ngày. Lúc bấy giờ, do gỗ rất khan hiếm ở Ai Cập nên nhiều học giả cho rằng người xưa đã dùng dầu hoặc giấy cói để có thể thắp sáng ngọn hải đăng.
Một số học giả thậm chí còn xem xét về khả năng ngọn hải đăng ở Alexandria có một chiếc còi báo sương mùa cổ xưa. Chiếc còi này sẽ phát ra âm thanh khi bờ biển bị những đám mây bao phủ. Các học giả Arab mô tả rằng có những giọng nói khủng khiếp phát ra từ tòa tháp. Tuy nhiên, cơ chế chính xác để cảnh báo bằng âm thanh vẫn chưa được xác định.
Ngọn hải đăng vang danh trong thế giới cổ đại
Với quy mô, chiều cao và kiến trúc độc đáo, ngọn hải đăng ở Alexandria nhanh chóng được nhiều người ngưỡng mộ. Ở Hy Lạp cổ đại, ngọn hải đăng này tượng trưng cho sự hùng mạnh của Alexander Đại đế và triều đại Plotemy.
Một số học giả thời cổ đại đã đưa ngọn hải đăng vào danh sách 7 kỳ quan của thế giới cổ đại.
Thậm chí các đồng xu La Mã ở Alexandria có niên đại từ năm 81 và 192 đều có in hình ảnh của ngọn hải đăng này. Dù vô cùng nổi tiếng và trở thành biểu tượng đầy tự hào, nhưng cuối cùng ngọn hải đăng vẫn không thể trụ được trước sự tàn phá của thời gian.
Theo ghi chép trong lịch sử, vào thể kỳ 1 TCN, Cleopatra VII, nữ hoàng cuối cùng của triều đại Ptolemaic đã ra lệnh tiến hành trùng tu lại ngọn hải đăng lần đầu tiên.
Ngọn hải đăng ở thành phố Alexandria được coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. (Ảnh: NatGeo)
Gần 700 năm sau, khi người Arab chinh phục Ai Cập, ngọn hải đăng ở Alexandria vẫn còn đứng vững. Thế nhưng, dần dần, dưới tác động của những trận động đất làm rung chuyển Ai Cập vào thời Trung cổ đã làm phá hủy ngọn hải đăng.
Đến thế kỷ 14, Ibn Battutah, một nhà thám hiểm nổi tiếng người Maroc, đã bày tỏ sự xót xa trước tình trạng đáng tiếc của ngọn hải đăng.
Vào năm 1477, khi ngọn hải đăng ở Alexandria trở thành một đống đổ nát, một quốc vương Mamluk đã ra lệnh sử dụng phần còn lại của ngọn tháp để xây dựng Thành Qaitbay, một trong những thành trì phòng thủ quan trọng nhất dọc theo bờ biển Địa Trung Hải, nơi vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.