Người mắc chứng sợ xã hội lại có IQ và khả năng thấu cảm cao hơn người thường
Nhiều người lo sợ tiếp xúc với xã hội đến mức nó trở thành vấn đề gây trở ngại tâm lý nhưng ít ai ngờ những người này lại sở hữu khả năng vượt trội về IQ.
Trong xã hội còn mang nhiều thành kiến và định kiến, nếu quá khác biệt với mọi người thì bạn rất khó để được chấp nhận.
Lúc này, không ít người lâm vào trường hợp rối loạn tâm lý do sợ bị người khác đánh giá hoặc cảm thấy xấu hổ về chính bản thân mình.
Mặc dù hội chứng sợ xã hội khiến cho cuộc sống thường ngày của ai đó gặp khó khăn nhưng vẫn mang đến một vài lợi ích bất ngờ.
Người mắc chứng sợ xã hội dường như có IQ và khả năng thấu cảm cao.
Theo những nghiên cứu gần đây, người mắc chứng sợ xã hội dường như có IQ và khả năng thấu cảm cao.
Đại học Lakehead thực hiện nghiên cứu đánh giá khả năng nhớ từ vựng của sinh viên và đã đưa ra kết quả: Những sinh viên có sự sợ hãi, lo lắng đạt điểm kiểm tra trí thông minh từ vựng cao hơn những người còn lại.
Ngoài ra, nghiên cứu khác tại Trung tâm Y tế SUNY Downstate (New York) đã kết luận rằng, những người trải qua sự lo sợ trầm trọng có chỉ số IQ cao hơn những người không có sự lo âu.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Tâm lý học, Đại học Haifa (Israel) đã nghiên cứu sự thấu cảm ở những người mắc chứng sợ xã hội và chia sẻ: "Khả năng thấu cảm và hoạt động tinh thần của những người này được gia tăng. Có nghĩa là những người mắc chứng rối loạn này có nhận thức tâm lý xã hội cao hơn và thể hiện sự nhạy cảm cũng như quan tâm đến trạng thái tâm trí của người khác. Nói cách khác, những người sợ xã hội nhạy cảm với cảm xúc của người khác đến mức họ cảm thấy khó mà tham gia vào các hoạt động tương tác xã hội".
Lý giải cho những kết quả đáng ngạc nhiên này, các nhà khoa học cho biết: Về cơ bản, những người mắc chứng sợ xã hội nhận thức về môi trường và con người xung quanh cao hơn vì trong tâm trí họ luôn phân tích những gì đang diễn ra xung quanh mình. Điều này xuất phát từ nỗi sợ bị người khác phán xét và từ chối.
Người mắc hội chứng này luôn trong trạng thái nhạy cảm và có ý thức đối với mọi thứ.
Chính vì họ thấy được những nguy cơ có thể xảy đến và nhận biết được những thứ mà người khác không nhận thấy được nên họ xử lý và đưa thông tin đi theo một cách đặc biệt hơn. Quá trình nhận thức liên tục này khiến tâm trí không có thời gian nghỉ ngơi và càng đòi hỏi hàm lượng chất xám cao.
Cũng chính vì họ luôn trong trạng thái nhạy cảm và có ý thức đối với mọi thứ nên luôn cảm thấy áp lực dẫn đến hình thành sự rối loạn trong tâm trí.
Nhưng nếu nhìn hội chứng sợ xã hội dưới một góc độ tích cực thì nó thực sự là một món quà, là tài năng đặc biệt chứ không phải là bệnh rối loạn tâm thần. Có nhận thức tốt cũng có nghĩa là có trực giác cao và có khả năng dự đoán được các tình huống và hành động sắp diễn ra, và đây chắc chắn là một lợi thế.