Người Maya đã tạo ra bộ lịch chính xác cách đây hàng ngàn năm như thế nào?
Cách đây hàng ngàn năm, người Maya cổ đại đã tạo ra một bộ lịch chính xác để theo dõi thời gian. Vậy họ đã tạo ra bộ lịch này như thế nào?
Hẳn nhiều người còn nhớ, vào năm 2012 xuất hiện tin đồn thế giới sẽ bị diệt vong vào ngày 21/12. Từng có rất nhiều người tin vào lời đồn đại này, thậm chí nhiều bộ phim với chủ đề về "ngày tận thế 21/12" cũng đã được sản xuất và ra rạp.
Trên thực tế, tin đồn này được bắt nguồn từ bộ lịch của người Maya cổ đại, mà trong đó bộ lịch này sẽ kết thúc vào ngày 21/12/2012, khiến nhiều người tin rằng người Maya cổ đại đã tiên đoán đó là thời điểm ngày tận thế.
Dĩ nhiên, ngày 21/12/2012 trôi qua mà không có bất kỳ biến cố nào diễn ra, còn bộ lịch của người Maya cổ đại đã bước sang một chu kỳ đếm mới.
Ít ai biết được rằng, trong lịch sử tồn tại hàng ngàn năm của nền văn minh Maya, những người Maya cổ đại đã có thể tạo nên một bộ lịch chi tiết và chính xác để tính thời gian, cho phép họ có thể tổ chức các sự kiện tôn giáo, sản xuất nông nghiệp…
Vậy người Maya cổ đại đã dựa vào những chi tiết nào để xây dựng bộ lịch cho riêng mình cách đây hàng ngàn năm?
Quan sát chuyển động của các vì sao và mặt trăng
Những nghiên cứu dựa trên các hiện vật khảo cổ cho thấy người Maya là những nhà thiên văn học xuất sắc. Những tòa nhà được người Maya cổ đại xây dựng đều có thể sử dụng để làm đài quan sát thiên văn, dựa vào đó họ có thể vẽ ra đường đi chi tiết của mặt trăng và các ngôi sao lớn có thể quan sát trên bầu trời.
Người Maya tạo ra những bộ lịch của riêng mình nhờ vào quan sát chuyển động của mặt trăng và các ngôi sao trên bầu trời đêm (Ảnh: Getty).
Quan sát quá trình di chuyển của mặt trăng và các vì sao đã giúp người Maya xây dựng nên bộ lịch của họ, với mức độ chính xác cao.
Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy người Maya đã tham khảo bộ lịch của người Olmec, một nền văn minh cổ đại khác tại khu vực Trung Mỹ, nhưng người Maya đã mở rộng và điều chỉnh lại bộ lịch của người Olmec để trở nên chuẩn xác hơn.
Các bằng chứng khảo cổ cho thấy các nghi lễ tôn giáo của người Maya cổ đại đều được tiến hành tương ứng với chuyển động của mặt trăng và các vì sao, cho thấy mức độ chuẩn xác của bộ lịch dựa vào thiên văn do người Maya cổ đại xây dựng. Tính toán thiên văn của người Maya thậm chí còn xác định và dự đoán chính xác những thời điểm diễn ra nhật thực.
Dresden Codex, cuốn sách cổ nhất được viết tại châu Mỹ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, có chứa biểu đồ chuyển động của mặt trăng, sao Kim, sao Hỏa do người Maya cổ đại vẽ ra. Cuốn sách Dresden Codex được cho là viết vào thế kỷ XI hoặc XII bằng chữ tượng hình của người Maya, nhưng được tìm thấy vào năm 1739 tại một thư viện ở Đức.
Nội dung cuốn sách Dresden Codex được viết bằng chữ tượng hình Maya. (Ảnh: Wikipedia).
Cuốn sách này được mua bởi Johann Christian Gottlob von Murr, một nhà sưu tập người Đức, từ một nhà buôn sách người Hà Lan. Murr đã tặng cuốn sách cho Thư viện Nhà nước và Đại học Sachsen ở Dresden, nơi nó vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Các chu kỳ tính thời gian của người Maya cổ đại
Người Maya cổ đại sử dụng 2 loại lịch riêng biệt để đếm ngày, bao gồm lịch Haab' và Tzolk'in. Trong đó, lịch Haab' bao gồm 18 tháng, mỗi tháng có 20 ngày và một tháng khác chỉ có 5 ngày, được gọi là tháng Wayhaab. Tổng cộng lịch Haab' có 365 ngày, tương ứng với 1 năm.
Những ngày trong tháng Wayhabb được xem là những ngày xui xẻo và nguy hiểm, do vậy người Maya sẽ tiến hành các nghi lễ tôn giáo và cúng tế vào những ngày này để xua đuổi vận rủi.
Trong khi đó, lịch Tzolk'in chỉ có 260 ngày, bao gồm 13 chu kỳ (tương đương 1 tháng) kéo dài trong 20 ngày. Lịch Tzolk'in có ý nghĩa quan trọng đối với người Maya cổ đại, được sử dụng để theo dõi các nghi lễ và chu kỳ thiên văn, chẳng hạn như chu kỳ mặt trăng và chu kỳ sao. Lịch này cũng được sử dụng để dự đoán tương lai.
Hai lịch Tzolk'in và Haab' được kết hợp với nhau để tạo thành một hệ thống lịch phức tạp. Hệ thống này cho phép người Maya theo dõi thời gian theo cả hai cách: theo chu kỳ thiêng liêng (khoảng cách giữa các nghi lễ tôn giáo) và chu kỳ thiên văn.
Lịch Haab' và lịch Tzolk'in kết hợp với nhau tạo thành một chu kỳ lịch kéo dài trong 52 năm, tương đương 18.980 ngày, đây là bội chung nhỏ nhất của 365 và 260 (số ngày của 2 bộ lịch). Sau khi một chu kỳ lịch kết thúc, một vòng chu kỳ lịch mới sẽ tiếp tục được bắt đầu.
Lịch Long Count của người Maya cổ đại được khắc trên đá. (Ảnh: Shutterstock).
Tuy nhiên, do vòng lặp của lịch Haab' và Tzolk'in chỉ kéo dài trong vòng 52 năm, người Maya cần xây dựng một hệ thống lịch để theo dõi trong khoảng thời gian dài hơn, đó là lý do ra đời của hệ thống lịch có tên gọi "Long Count".
Lịch "Long Count" của người Maya là một hệ thống lịch phức tạp và tinh vi, được chia thành 5 đơn vị thời gian, bao gồm: K'in (tương đương 1 ngày), Winal (20 ngày), Tun (360 ngày), K'atun (7.200 ngày) và Bak'tun (144.000 ngày).
Mỗi chu kỳ lịch "Long Count" kéo dài trong 5.126 năm, bắt đầu từ ngày 11/8/3114 Trước Công nguyên và kết thúc vào ngày 21/12/2012, chính là thời điểm về tin đồn "ngày tận thế" từng khiến nhiều người lo lắng.
Hình minh họa về sự liên quan giữa 3 bộ lịch do người Maya tạo ra, tương tự như 3 bánh răng gắn liền vào nhau (Ảnh minh họa: Getty).
Cũng như 2 bộ lịch Haab' và Tzolk'in, lịch Long Count cũng được sử dụng để tổ chức các hoạt động tôn giáo, cúng tế, gieo trồng hoặc thu hoạch nông nghiệp… Lịch này cũng được sử dụng để đưa ra các tiên đoán cho tương lai.
Lịch Long Count là một hệ thống lịch hết sức phức tạp và tinh vi, phản ánh sự hiểu biết sâu sắc của người Maya cổ đại về thời gian và vũ trụ.
Ngày nay, những người Maya hiện đại, chủ yếu sống tại Guatemala, Mexico, Honduras, El Salvador… vẫn sử dụng 3 loại lịch Haab', Tzolk'in và Long Count để sản xuất nông nghiệp, tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Cách tính loại lịch này vẫn được giữ nguyên suốt hàng ngàn năm qua mà không có sự gián đoạn nào.