“Người sói” phiên bản thật 100%: Thể chất phi thường, hung hăng, tấn công cả gấu Bắc Cực

Dù khác biệt về ngoại hình nhưng loài động vật này vẫn sở hữu những tố chất xứng đáng với danh xưng “người sói”, đặc biệt phải kể đến bản tính hung hăng kết hợp cùng cơ thể cường tráng, khiến chúng không hề ngại gây hấn với chó sói, gấu đen và thậm chí là gấu Bắc Cực.

Trong tiếng Anh, loài chồn sói được gọi với cái tên “Wolverines”, đây đồng thời cũng là danh xưng đặt cho siêu anh hùng “người Sói” nổi tiếng trong seri phim “X-Men”. Chồn sói sinh sống chủ yếu ở vùng phương Bắc lạnh giá, bao gồm: rừng Taiga phương Bắc, cận Bắc Cực, phía Bắc Canada, Bắc Âu, Siberia, tiểu bang Alaska…


Về mặt giải phẫu, chồn sói có ngoại hình khác giống một con gấu mini, với đôi chân ngắn, đầu rộng và tròn, đôi mắt nhỏ cùng đôi tai tròn ngắn. Khi trưởng thành, chồn sói có thể phát triển tới chiều dài 65-107cm (chưa kể đuôi), nặng khoảng 9-25kg. Chồn sói sở hữu một lớp lông đen, dày có chứa dầu kỵ nước, đem đến cho nó khả năng chống sương giá, cũng như cái rét cắt da cắt thịt của vùng phương Bắc.


Dù có ngoại hình khác xa so với tưởng tượng của chúng ta về “người sói”, nhưng loài chồn sói vẫn sở hữu những tố chất rất xứng đáng với cái tên này. Trước hết phải kể đến sức mạnh thể chất. Loài động vật này sở hữu một thân hình chắc nịch, cuồn cuộn cơ bắp, nhờ vậy chồn sói có một sức mạnh đáng kinh ngạc so với kích thước cơ thể của chúng. Bên cạnh đó, chồn sói còn được trang bị những thứ vũ khí đáng gờm, ấn tượng nhất chính là móng vuốt sắc nhọn cùng bộ hàm khỏe có thể xé cả thịt đã bị đông cứng.


Đặc điểm nổi bật tiếp theo của chồn sói chính là bản tính cực kì hung hăng, kết hợp cùng thể chất ưu việt đã để cập ở trên, chồn sói gần như không ngán bất kì loài động vật nào trong khu vực mà chúng sinh sống. Thậm chí, chúng có thể chống lại những kẻ săn mồi khét tiếng khác, với kích thước lớn hơn nhiều như chó soi, gấu đen và thậm chí là cả gấu Bắc Cực, nhiều báo cáo chỉ ra rằng, chồn sói đã chiến thắng trong những cuộc chiến sinh tồn này.


Con mồi chủ yếu của chồn sói là các động vật có vú như: nhím, sóc, hải ly, thỏ, chuột đồng, chuột nhắt. Thậm chí, ngay cả những con thú lớn như tuần lộc, hươu, nai cũng có thể bị chồn cáo giết chết. Đôi lúc, loài động vật này còn săn cả những thú ăn thịt khác như chồn mác, chồn rái cá, linh miêu, sói đồng cỏ và chó sói con. Vào mùa Đông giá rét, nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho chồn sói lại đến từ xác động vật thối rữa. Đôi khi, chồn sói cũng bổ sung vào bữa
ăn của mình trứng chim, rễ, hạt cây, ấu trùng và quả mọng.


Tập tính sinh sản của chồn sói cũng khá dị thường. Vốn là loài động vật sống đơn độc, chồn sói đực sẽ hình thành mối quan hệ lâu dài với hai hoặc ba con cái. Tuy nhiên, đời sống “đa thê” này chỉ đến với những con đực thành công.


Những kẻ kém may mắn hơn sẽ phải chấp nhận cuộc sống không có người bạn đời nào. Mùa hè là thời điểm mà chồn sói tiến hành giao phối. Sự phát triển của phôi thai sẽ được trì hoãn lại cho đến đầu mùa đông. Thông thường, thời gian mang thai của chồn sói nằm trong khoảng 30-50 ngày. Tuy nhiên, chồn sói cái sẽ không hạ sinh trong điều kiện nguồn thức ăn khan hiếm.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất