Nguồn nước ngầm Việt Nam suy giảm
Mực nước ngầm đang giảm dần ở cả hai Đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Một số chỉ tiêu nguyên tố vi lượng của hai vùng này cũng vượt mức cho phép.
Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước vừa công bố kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất năm 2011 khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tại Đồng bằng Bắc Bộ, mực nước khai thác tại một số điểm đã đạt mức báo động như Mai Dịch, Cầu Giấy, thuộc Hà Nội. Mực nước ở Hải Hậu, Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình còn trong ngưỡng an toàn, nhưng do tầng chứa nước có điều kiện thủy địa hóa phức tạp.
Trung tâm quan trắc đã phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng từ 36 mẫu nước cho thấy, gần một nửa mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Hầu hết các mẫu phân tích cho hàm lượng amoni, mangan và asen vượt tiêu chuẩn cho phép, nhất là tại các điểm khai thác ở Hà Nội.
Nguồn nước ngầm tại Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng
Cụ thể, hàm lượng ion amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 92,4 lần. Đặc biệt, tại điểm quan trắc Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội, hàm lượng này cao gấp 233 lần tiêu chuẩn. Hàm lượng mangan từ 32 mẫu nước lấy ở tầng nước ngầm có tới 17 mẫu vượt tiêu chuẩn, nhiều nơi có hàm lượng asen cao gấp 3 lần tiêu chuẩn.
Về mùa mưa, kết quả phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng từ 30 mẫu nước, hàm lượng mangan có 12/30 mẫu, 4/30 mẫu asen vượt tiêu chuẩn.
Tại khu vực Đồng bằng Nam Bộ, một số điểm quan trắc, mực nước đã hạ thấp sâu, vào khoảng tiệm cận với mực nước hạ thấp cho phép, đặc biệt ở khu vực quận 12, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả đánh giá chất lượng nước theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ở Đồng bằng này có hai chất là mangan và metan vượt tiêu chuẩn cho phép trong nước ngầm. Điển hình là thị trấn Bến Lục, Long An, chỉ tiêu metan ở các tầng chưa nước chính đều vượt quá giới hạn.
Vùng có tầng nước ngầm tương đối tốt là Tây Nguyên, chưa thấy dấu hiệu ô nhiễm nước dưới đất. Hàm lượng các nguyên tố vi lượng trong nước dưới đất hầu hết đạt tiêu chuẩn cho phép, trừ mangan.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến mực nước ngầm ô nhiễm là do hoạt động của con người như rác, nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp không được xử lý triệt để ngấm xuống gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, việc khai thác quá mức cũng như việc việc khoan, đào để xây dựng, khai thác khoáng sản làm mất tầng đất đá bảo vệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm bẩn, xâm mặn diễn ra nhanh hơn.
Chuyên gia khuyến cao, nước ngầm ô nhiễm có thể gây ra bệnh dịch tả, nước nhiễm thủy ngân có thể gây ung thư.