Nguyên nhân, cách phòng bệnh liên cầu khuẩn lợn
Chuyên mục giải đáp Khoa học tuần này sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin chi tiết về nguyên nhân, cách phòng tránh của bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Một bạn đọc hỏi:
Tôi nghe báo đài đưa tin về bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể lây từ lợn sang người. Tôi muốn hỏi nguyên nhân gây bệnh, các con đường lây truyền và cách phòng tránh chữa trị bệnh này như thế nào?
Bệnh liên cầu khuẩn lợn (BLCKL) thuộc loại bệnh có thể lây sang người. Tác nhân gây BLCKL là liên cầu S.suis. Vi khuẩn gram dương, hình cầu hay hình ô van. Ở động vật thì cư trú trong đường hô hấp trên, đặt biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân, cũng có thể ở đường tiêu hóa, đường sinh dục của lợn. S.suis tồn tại lâu trong phân, nước, rác.
Ổ chứa S.suis là lợn nhà, lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim, có thể lây truyền qua gián, chuột, ruồi,… Môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh.
Triệu chứng của bệnh nhân bệnh liên cầu khuẩn lợn.
S.suis týp II thường gây bệnh ở người, dễ mắc nhất là những người làm việc trong môi trường liên quan đến lợn. Cách lây qua đường tiêu hóa là chủ yếu. Một cuộc khảo sát gần đây của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho thấy, gần 50% số lợn được coi là sạch được giết mổ ở các lò trên địa bàn của TP có LCKL trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và đường sinh dục.
Do đó những thức ăn như, lòng, dồi, tiết canh… luôn luôn có vi trùng LCKL. Trong khi đó nhiều khi thức ăn này không được nấu chín, nên việc lây bệnh là điều khó tránh khỏi.
Theo BS Nguyễn Hoan Phú, BLCKL là do vi khuẩn ở lợn xâm nhập cơ thể con người qua các vết thương, trầy xước, lở niêm mạc chân răng…
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa hồi sức tích tực BV Nhiệt đới Trung ương: “Một số bệnh nhân bị BLCKL thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất 3 tuần, có bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào di chứng”.
“Người mắc bệnh khởi đầu sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện các vết ban hoại tử trên da. Khi nhiễm LCKL, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa tạng phủ. Nếu nhập viện muộn thì cơ hội cứu chữa thấp”.
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao ở khu vực miền Trung và miền Bắc. Tỷ lệ này ở miền Nam là 2% ca nhiễm bệnh. Người mắc BLCKL đa số ở độ tuổi 40 – 60. 80% là nam giới. Trong số bệnh nhân phục hồi, thì 60% bị giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn.
S.suis dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa, có thể điều trị bệnh hiệu quả bằng kháng sinh.