Nhà kính khí đối lưu giúp phơi, sấy nông sản cả đêm lẫn ngày
Nhà phơi, sấy hiệu ứng nhà kính hoạt động trong hai chế độ đối lưu khác nhau: Đối lưu tự nhiên vào ban ngày và đối lưu cưỡng bức vào ban đêm hay những ngày mưa, không có nắng.
Kỹ thuật phơi/sấy nông sản bằng nhà kính khí đối lưu là ứng dụng năng lượng mặt trời làm khô vật thể trực tiếp với dòng khí đối lưu. Kỹ thuật này phù hợp áp dụng cho các loại rau quả ăn liền sau khi phơi/sấy.
Theo ThS. Lê Thanh Tùng, công ty cổ phần máy nông nghiệp Santavi (Hai Tấn), hiện nay việc phơi/sấy nông sản, hạt ngũ cốc, trái cây, rau, gia vị… bằng kỹ thuật phơi/sấy hiệu ứng nhà kính đang được nhiều chuyên gia đánh giá tốt, vì chất lượng sản phẩm sau khi sấy cao so với những phương pháp phơi, sấy truyền thống.
Chuối già cũng có thể phơi, sấy khô trong nhà.
Việc quan trọng đầu tiên khi xây dựng hệ thống phơi, sấy nông sản bằng nhà kính khí đối lưu là chọn khu đất để bố trí nhà phơi, sấy. Đó là nơi "đón nắng", không bị cây cối, nhà cửa hay vật kiến trúc khác che nguồn sáng từ mặt trời, có gió trong lành, xa nguồn không khí ô nhiễm (chuồng heo, lò gạch, lò vôi...)
Cấu trúc nhà phơi, sấy thường có hình vòm với khung bằng tuýp hay ống thép không rỉ uốn thành hình parabol, được chôn hoặc đặt trên sàn bê tông (có hoặc không lát nền gạch men, đảm bảo sạch sẽ và chống trượt). Diện tích, chiều dài và rộng của nhà phơi/sấy phụ thuộc vào sản lượng nông sản cần phơi/sấy và năng suất/mẻ, tính theo công nghệ sấy tự nhiên hay có thiết bị hỗ trợ.
Các đòn tay, khung cửa gió ra vào và cửa chính được gắn với khung nhà bằng các đai, ốc chuyên dụng không rỉ sét, bền chắc. Bề mặt mái, hai đầu hồi nhà phơi, sấy được bao phủ kín bằng tấm thu nhiệt polycarbonate. Tấm nhựa chuyên dùng cho nhà phơi, sấy nông sản này có tác dụng thu nhiệt từ ánh nắng mặt trời và giữ nhiệt bên trong nhà phơi, sấy.
Độ bền bảo hành của tấm polycarbonate là 10 năm, trên thực tế có thể sử dụng trên 12 năm. Ngoại trừ cửa chính và các cửa thông khí vào ra (tùy theo thiết kế) có lưới bảo vệ tránh bụi và côn trùng vào nhà phơi/sấy, sự làm kín toàn bộ ngôi nhà phơi/sấy để cách ly với môi trường là cần thiết để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Nguyên liệu cần phơi/sấy được đặt trên giàn vỉ inox ở độ cao ngang bụng – phù hợp với tư thế người công nhân sắp đặt, đảo trở hay thu gom sản phẩm sau phơi sấy. Với giàn phơi/sấy này, các luồng khí thông thường ở cả hai mặt của vật liệu sấy giúp nông sản khô đều, khô nhanh từ hai mặt, giảm công đoạn đảo trở.
Quy trình sấy chuối tại Unifarm. (Ảnh: T. Tùng).
Khi mặt trời chiếu ánh sáng, nhà phơi/sấy tích nhiệt làm nóng buồng phơi sấy và tạo ra dòng chuyển động khí nóng mang theo hơi nước từ trong ra ngoài. Đến một mức thời gian nhất định, hơi nước trong nông sản giảm dần đến mức khô đạt yêu cầu bảo quản thì ngưng.
Nhà phơi/sấy sẽ hoạt động khi có ánh nắng mặt trời và sẽ giảm dần rồi ngưng khi không còn ánh nắng cấp nhiệt. Để nhà phơi/sấy hoạt động cả ngày và đêm, nâng cao năng suất 5 - 8 lần so với phơi/sấy bằng hiệu ứng nhà kính chỉ duy nhất trông chờ ánh sáng mặt trời, thì cần thực hiện bằng cách lắp đặt hệ thống tách ẩm và cấp nhiệt hỗ trợ. Về công nghệ, nhà phơi/sấy hiệu ứng nhà kính hoạt động trong hai chế độ khác nhau của đối lưu khô tự nhiên vào ban ngày và đối lưu cưỡng bức vào ban đêm hay những ngày mưa, không có nắng.
ThS. Lê Thanh Tùng cho biết thêm, để phát huy công năng phơi/sấy, hàng tháng hoặc khi thấy có hiện tượng bám bụi thì cần vệ sinh hệ thống bằng cách tẩy rửa với nước lau kính và nước sạch toàn bộ mái và vách nhà vòm, cả mặt trong và mặt ngoài. Ngoài ra, cần làm sạch toàn bộ sàn, vỉ và tất cả các chi tiết trong nhà phơi sấy.