Nhạc Mozart giúp tăng IQ, hay chỉ là "cú lừa"?
Nghe nhạc Mozart không phải là phương pháp giúp nâng cao trí thông minh, hay chỉ số IQ nói chung như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Wolfgang Amadeus Mozart là một thiên tài âm nhạc của thế giới. Trong suốt cuộc đời mình ông đã sáng tác khoảng 1.000 bản nhạc ngắn và dài. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, việc được học âm nhạc từ lúc 4 tuổi đã giúp Mozart phát triển trí thông minh và tài năng âm nhạc của mình.
Nhà soạn nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791).
Hệ quả là ngày nay trên thế giới, người ta sử dụng rất nhiều thuật ngữ "hiệu ứng Mozart" để nói về việc học âm nhạc từ sớm, giúp các bé phát triển chỉ số IQ, trở nên thông minh hơn.
Ngoài ra, cũng có những lời khuyên cho rằng nếu cho trẻ nghe nhạc Mozart từ trong bụng mẹ sẽ giúp chúng có chỉ số IQ cao hơn. Tuy nhiên, điều này có chính xác không?
Khởi nguồn của "hiệu ứng Mozart"
Năm 1993, giáo sư tâm lý học Francis Rauscher lần đầu tiên đưa ra tuyên bố đáng kinh ngạc rằng, nghe nhạc của Mozart có thể giúp tăng chỉ số IQ, gọi tắt là "hiệu ứng Mozart".
Nghe nhạc Mozart mang đến nhiều hiệu ứng tích cực.
Để chứng minh điều này, Rauscher và các cộng sự đã tập hợp một nhóm các sinh viên, và mở cho họ nghe 10 phút đầu của bản sonata K. 448. Đây tác phẩm chơi trên piano, được sáng tác bởi Mozart vào năm 1781, khi ông 25 tuổi.
Sau quá trình trên, Rauscher lần lượt quan sát từng đối tượng và nhận thấy họ có sự gia tăng đáng kể các kỹ năng suy luận về hình học - không gian so với các liệu pháp gia tăng tập trung thông thường (như ngồi thiền, không gian tĩnh lặng...)
Điều này được phát huy rõ rệt khi các sinh viên nêu trên thực hiện một bài kiểm tra về lý luận không gian, chẳng hạn như trò chơi gấp giấy thành hình, hay tìm đường thoát khỏi mê cung vẽ trên giấy.
Theo đó, điểm IQ trung bình của các thí sinh sau khi nghe nhạc cao hơn từ 8 - 9 điểm. Tuy nhiên, hiệu quả tăng cường chỉ kéo dài không quá 10-15 phút.
Nghe nhạc của Mozart có thể giúp tăng chỉ số IQ trong ít phút. (Ảnh minh họa)
Mặc dù Rauscher liên tục nhấn mạnh rằng "hiệu ứng Mozart" chỉ giới hạn trong suy luận không gian, cũng như không thể kéo dài, và đặc biệt là không có sự nâng cao về trí thông minh nói chung; thế nhưng không rõ từ khi nào, lời đồn về việc nghe nhạc của Mozart tốt cho sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh đã ra đời.
Những tác động của nó ảnh hưởng sâu sắc tới tư duy của nhiều bậc phụ huynh qua nhiều thế hệ rằng: "cứ cho con mình nghe nhạc Mozart từ khi trong bụng mẹ, chúng sẽ trở thành thiên tài, hoặc có chỉ số IQ cao".
"Hiệu ứng Mozart" thậm chí đã thúc đẩy cả một ngành công nghiệp gồm các sản phẩm "trẻ em thông minh" và những món đồ chơi phát triển. Những sản phẩm này dựa vào quan niệm "tăng IQ" khi được nghe nhạc của Mozart, đã trở nên cực kỳ phổ biến trong những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.
"Hiệu ứng Mozart" có tồn tại?
Những phát hiện ban đầu của Rauscher đã chịu nhiều lời chỉ trích với lý do phản biện cho rằng, bất kỳ hiệu ứng tích cực nào xuất hiện, cũng là do "sự thích thú do được kích thích bởi âm nhạc" tạo nên.
Một nghiên cứu dựa trên 8.000 học sinh sống ở Anh do Schellenberg và Hallam thực hiện năm 2005 cho thấy một số bản nhạc nói chung có thể khiến con người trở nên hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Từ đó, dẫn tới khả năng tăng cường tập trung, tỉnh táo hơn, và hoàn thành tốt hơn các thử thách về tư duy hình ảnh - không gian (không bao gồm kiến thức).
Một nghiên cứu đáng tin cậy được thực hiện trước đó vào năm 1996.
Lúc bấy giờ, ban nhạc rock Blur rất nổi tiếng và được hâm mộ bởi giới trẻ trên khắp nước Anh. Nắm bắt được điều này, các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên một số học viên nghe Mozart và những người khác nghe nhạc của Blur.
Sau 10 phút nghe nhạc, các ứng viên đã làm một bài kiểm tra ngắn về khả năng thị giác-không gian. Kết quả là nhóm nghe nhạc Blur đạt kết quả tốt hơn so với những người được nghe nhạc Mozart.
Điều này cho thấy "trí thông minh tạm thời" giống như một sự phấn khích do hoóc môn của cơ thể tạo nên. Ngoài ra, hiệu quả của nó dường như phụ thuộc vào loại nhạc mà bạn thích, chứ không phải chỉ riêng của Mozart.
Nghe nhạc rock hay bất cứ thứ gì bạn thích có thể cải thiện khả năng tư duy trong thời gian ngắn.
Năm 1999, nghiên cứu của Nantais và Schellenberg mở ra thêm một cải thiện nữa, đó là khi ứng viên nghe một câu chuyện ngắn của nhà văn Stephen King, họ cũng đạt những kết quả tốt hơn kỳ vọng.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy từng cá nhân sẽ có thành tích tốt hơn khi họ được nghe bất kỳ thứ gì mình thích, có thể là một bài hát, một mẩu chuyện, hoặc giọng của một ai đó.
Như vậy, thay vì gọi là "hiệu ứng Mozart" hay "hiệu ứng âm nhạc dễ chịu", cách giải nghĩa chính xác của hiện tượng có thể là "hiệu ứng trải nghiệm sự dễ chịu mà cơ thể bạn mong muốn".
Hiệu ứng này được chứng minh sẽ giúp bạn có được những kết quả tích cực trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nó không phải là phương pháp giúp nâng cao trí thông minh, hay chỉ số IQ nói chung như nhiều người vẫn lầm tưởng.