Nhạc pop ngày nay có đang trở nên buồn bã và giận dữ hơn?
Những trái tim tan vỡ và cơn tức giận chính đáng luôn tạo ra các bản hit được yêu thích nhất. Từ bài ca bất hủ "I Will Always Love You" của ca sĩ Dolly Parton (sau này được Whitney Houston thu âm lại) cho đến hiện tượng "Someone Like You" của Adele và "Stay With Me" của Sam Smith, nhiều nghệ sĩ biết cách biến giọt lệ của mình thành mỏ vàng.
Tuy nhiên, liệu âm nhạc ngày nay có truyền tải nỗi u sầu sâu sắc hơn những bài hát trong quá khứ hay không? Đó là kết luận của hai cuộc phân tích gần đây sau khi kiểm tra hàng nghìn các bài hit Âu Mỹ trong vài thập kỷ qua. Kể từ thập niên 80, các cung bậc cảm xúc như phiền muộn và cô đơn ngày càng trở nên phổ biến trong lời bài hát. Trong khi đó, các bài hát chứa tâm trạng như niềm vui đơn thuần, điển hình như "All You Need is Love" của ban nhạc Beatles – lại khó trèo lên thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng.
Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến những thay đổi này? Có phải nó chỉ đơn giản phản ánh sự thay đổi trong cách người nghe hưởng thụ âm nhạc? Hay nó thể hiện mạch cảm xúc ngầm của xã hội ngày nay?
Kể từ thập niên 80, các cung bậc cảm xúc như phiền muộn, cô đơn... phổ biến hơn trong lời bài hát.
Giọt nước mắt hay nỗi sợ hãi
Trước hết, chúng ta hãy xem xét các bằng chứng. Lior Shamir tại Đại học Kỹ thuật Lawrence đã thu thập lời bài hát của 6.150 đĩa đơn thuộc bảng xếp hạng Billboard Hot 100 từ năm 1951 đến năm 2016 và phân tích chúng nhờ sử dụng thuật toán. Phần mềm đã được lập trình sẵn nhằm xác định các dấu hiệu ngôn ngữ của các trạng thái cảm xúc và đặc điểm tính cách khác nhau - bao gồm buồn bã, sợ hãi, ghê tởm, vui mừng và hướng ngoại. Và mặc dù máy tính chắc chắn sẽ bỏ lỡ một số sắc thái nếu lời bài hát quá phức tạp, nhưng những đánh giá công nghệ lại có xu hướng đồng quan điểm với đánh giá của con người.
Chẳng hạn như, máy tính đã xác định chính xác cảm xúc chi phối trong bài hit "Total Eclipse of the Heart" của danh ca Bonnie Tyler là tâm trạng u buồn, với số điểm 0,51 trên 1 cho trạng thái này. Ngược lại, bài hát YMCA của ban nhạc Village People đạt 0,65 điểm cho niềm vui, và We Will Rock You của ban nhạc Queen thậm chí còn đạt điểm cao chót vót - 0,85 trên thang điểm về trạng thái hướng ngoại (điều này có vẻ phù hợp với các tay chơi nhạc rock luôn ở trong trạng thái hưng phấn).
Nhìn chung, giai điệu vui tươi trong lời bài hát thuộc bảng xếp hạng Billboard Hot 100 đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. (Credit: Kathleen Napier và Lior Shamir).
Sau đó, mỗi năm, Shamir tính trung bình điểm và xem xét cách chúng thay đổi theo thời gian. Điều này đã cho ra kết quả cực kỳ ấn tượng. Cụ thể, tâm trạng giận dữ và ghê tởm trong lời ca gần như tăng gấp đôi trong 65 năm qua, trong khi nỗi sợ hãi lại tăng hơn 50%. Đáng chú ý hơn cả, các bài hát hiện đại thậm chí nghe còn hung bạo và đáng sợ hơn thể loại nhạc Punk khi còn ở thời kỳ hoàng kim. Một lý do có thể được đưa ra ở đây là sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của nhạc rap đã phản ánh tình trạng bất ổn xã hội và nỗi lòng khi bị tước quyền tương tự như nhạc punk. Trong khi đó, tâm trạng u sầu giữ độ ổn định cho đến thập niên 80, sau đó từ từ leo thang cho đến đầu những năm 2010, trong khi đó, niềm vui, cảm xúc tự tin và cởi mở thì lại giảm dần đều.
Shamir chia sẻ: "Chúng ta có thể thấy sự thay đổi rất nhất quán và rõ ràng, rằng lời bài hát trở nên giận dữ hơn, đáng sợ hơn, phiền muộn hơn và kém vui hơn. Có rất nhiều sự khác biệt đáng kể giữa lời bài hát vào cuối thập niên 50 so với lời bài hát trong năm 2015 và 2016."
Để minh chứng cho hiện tượng này, Shamir đã chỉ ra một loạt hit trong thập niên 50 với cảm xúc chủ đạo là niềm vui, ví dụ như "All Shook Up" của Elvis Presley đã ghi được 0,702 điểm cho cảm xúc này, hay "Long Tall Sally" của Little Richard đạt mức 0,82. Ngược lại, các ca khúc thể hiện tâm trạng tức giận hay nhất, đứng đầu các bảng xếp hạng lại được sáng tác trong những năm 2000, bao gồm "When You're" và "Busta Rhymes Tough It" của Ne-Yo (đạt 0,97 trên thang điểm về sự giận dữ). Gần đây, "Bad Blood" được ra lò bởi Taylor Swift ghi điểm rất cao về cảm xúc sợ hãi và gần như không chứa tâm trạng tích cực, trong khi "Wrecking Ball" của Miley Cyrus và "Sorry" của Justin Bieber lại có mức điểm cao về tâm trạng buồn phiền - tất cả đều là các bài hit tiêu biểu lớn nhất trong vòng 6 năm qua.
Nhảy múa trong cảm xúc tiêu cực
Các phát hiện được đề cập ở trên gần như đồng nhất với một bài nghiên cứu độc lập thứ hai của Natalia Komarova, một nhà toán học thuộc trường Đại học California Irvine sau khi cô không khỏi kinh ngạc khi tiếp xúc sự tiêu cực trong gu âm nhạc của con gái mình. Để tìm hiểu quá trình thay đổi tâm trạng trong bài hát theo thời gian, cô đã tìm đến cơ sở dữ liệu nghiên cứu có tên AcousticBrainz. Cơ sở dữ liệu này cho phép người dùng có thể áp dụng thuật toán để trích xuất các đặc điểm âm thanh - chẳng hạn như cách sử dụng hợp âm chính phụ và nhịp độ bài nhạc và chấm điểm ca khúc theo cảm xúc, ví dụ như nỗi buồn. Sau khi quan sát nửa triệu bài hát được phát hành ở Anh trong giai đoạn 1985-2015, Komarova và các đồng nghiệp nhận ra rằng giai điệu của âm nhạc đã trở nên kém vui hơn kể từ năm 1985 - giống như kết quả phân tích lời nhạc của Lior Shamir.
Thú vị ở chỗ, Komarova phát hiện ra rằng khả năng vũ đạo - được đo bằng các tính chất của nhịp điệu - cũng đã tăng lên cùng với tâm trạng tiêu cực. Vì vậy, cho dù có thể hiện tâm trạng tiêu cực, các bài hát này lại có khả năng khiến người nghe không thể ngồi yên một chỗ. Điển hình như bài hit "Dancing on my own" hát bởi Robyn lại có âm thanh điện tử sôi động và beat nhạc nhịp nhàng bên dưới lời bài hát về sự cô đơn và cô lập. Xét về album, Komarova cũng chỉ ra các bản mix-tape (sản phẩm được phát hành dưới dạng đĩa CD ) như "Lemonade" thể hiện bởi Beyoncé và "Pop 2" hát bởi Charlie XCX lại là những ca khúc thuộc dòng nhạc dance tuy có nội dung u tối.
Nỗi buồn trong các bài hát bắt đầu tăng lên vào cuối thập niên 80, và đạt mức cao nhất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. (Credit: Kathleen Napier và Lior Shamir)
Có điều cần được nói rõ ra ở đây: đây chỉ là những xu thế chủ đạo và cũng có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như "Happy" của Pharrell Williams và "Diamonds" của Rihanna. Cả hai ca khúc đều là những hit lớn với lời lẽ lạc quan. Thế nhưng, nhìn chung, dường như các ca khúc đã chuyển thành nơi u tối và giận dữ hơn.
Lý do cho hiện tượng này vẫn chưa được rõ ràng và Komarova vẫn còn do dự đưa ra bất kỳ giả thuyết cụ thể nào. Tuy nhiên, Komarova khẳng định: "Chúng ta có thể đoán điều này có thể liên quan đến một số thay đổi diễn ra trong xã hội."
Shamir đồng ý với ý kiến này, chỉ ra rằng trong thập niên 50, hầu hết nhạc pop giống như một hình thức thoát ly - nhưng từ thập niên 60, các bài hát đã gắn kết với xã hội nhiều hơn. Ông cho biết: "Âm nhạc đã thay đổi vai trò của mình từ bộc lộ tâm trạng vui vẻ sang thể hiện quan điểm chính trị." Có lẽ điều này có thể giải thích phần nào cho sự thay đổi, nhưng phải nói rằng phần lớn các ca khúc hiện nay không phải là những bài hát mang tính phản kháng.
Dòng tâm trạng
Nếu các nhà khoa học không chắc chắn về yếu tố đã thúc đẩy các xu hướng này, nguồn tin BBC lại cho rằng chúng ta nên lắng nghe quan điểm từ một người đã chính tay tạo ra các bài hát hit trong nhiều thập kỷ. Vì vậy, David Robson - nhà báo bên trang BBC đã liên lạc với Mike Batt - nhạc trưởng, nhà sản xuất thu âm, đồng thời là ca sĩ và nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bản hit bao gồm "Bright Eyes" của Art Garfunkel trộm và "Closest Thing to Crazy" của Katie Melua.
Batt chỉ ra rằng phương tiện dùng để nghe nhạc đã đổi thay rất nhiều, cụ thể như các kênh phát nhạc trực tuyến hiện chỉ bao gồm các bài hát lọt vào bảng xếp hạng. Những điều này có thể giúp ta xác định thể loại nhạc nào đang trở nên nổi tiếng - ví dụ, ca khúc dành cho người lớn tuổi sẽ ít có khả năng trở thành bài hit do những người ở độ tuổi này thường hay miễn cưỡng phát nhạc trực tuyến và có xu hướng ít giận dữ hơn.
Batt đồng tình rằng giai điệu tiêu cực hơn trong nhạc pop hiện nay cũng có thể phản ánh những thay đổi trong xã hội, và ngay cả khi các thái độ đối với các sự kiện chính trị không được bộc lộ công khai như những bài hát thể hiện rõ tính chống đối, chúng vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng chung của ca khúc.
Ông tiếp tục: "Dù có chủ đích hay không, các bài hát có xu hướng đóng vai trò như một tấm gương phản ánh xã hội, hoặc ít nhất là bị ảnh hưởng bởi các sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Thế hệ truyền thông xã hội bây giờ đang phải chịu đựng những cơn căng thẳng liên tiếp ngày qua ngày. Cơn bùng nổ hiện diện trong quan điểm chính trị, tôn giáo và chủng tộc ngày nay không lớn hơn là bao so với trước đây, nhưng nó lại bị thúc đẩy nhiều hơn và rõ ràng hơn với tai người nghe. Điều này chắc chắn sẽ được phản ánh trong các bài hát của chúng tôi."
Batt suy đoán rằng điều này còn đi đôi với thực tế là, nhiều bài hát ngày nay được viết bởi các nhóm nhạc sĩ lớn hơn, mà nhóm người này thường có xu hướng viết ra các bài hát phù hợp với hệ tư tưởng của thời đại hơn là quan tâm đến sắc thái trải nghiệm cá nhân. Ông cho biết: "Có lẽ các nhạc sĩ giờ có xu hướng bày tỏ quan điểm chung hơn. Và nếu tâm trạng đó nói chung là tiêu cực hơn so với quá khứ, những bài hát đó sẽ nghe buồn bã và giận dữ hơn."
Về phần mình, Batt thừa nhận rằng mỗi sáng thức dậy, ông lại cảm thấy đôi chút chán nản khi nghĩ đến các sự kiện trên thế giới, nhưng Batt khẳng định các bài hát của mình thường chỉ thể hiện tâm trạng u sầu của riêng mình - thay vì cơn giận dữ hay khinh bỉ.
Và ông nhấn mạnh rằng việc cảm nhận nỗi buồn của chính chúng ta mới là lành mạnh khi nói: "Sự sầu muộn giúp cho thế giới tiếp tục quay tròn".
Vì vậy, có lẽ các bài hát nhạc pop đã nắm bắt được tâm trạng của cả nghệ sĩ và người nghe. Nhà soạn nhạc đã hòa mình vào hệ tư tưởng thời đại, và kết quả là nỗi phiền muộn hay cơn tức giận trở nên thu hút hơn đối với người nghe chúng ta khi nhận ra cảm xúc của chính mình trong âm nhạc và lời ca khúc, giúp đẩy những bài hát đó đứng đầu bảng xếp hạng. Thời đại luôn chuyển mình và mỗi bản hit lại là một minh chứng nhỏ cho những thay đổi đó.