Nhật Bản phóng tên lửa H2A mang theo vệ tinh trinh sát lên quỹ đạo
Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản hôm 26/9 cho biết, tên lửa H2A mang theo vệ tinh thu thập thông tin của chính phủ, đã chính thức được phóng lên quỹ đạo từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, ở tỉnh Kagoshima, vào lúc 14 giờ 24 phút chiều nay (26/9, theo giờ địa phương). Đây cũng là lần thứ 49 tên lửa này được đưa lên quỹ đạo.
Nhật Bản chính thức phóng tên lửa H2A mang theo vệ tinh lên quỹ đạo vào lúc 14h24 chiều 26/9 (giờ Tokkyo). (Ảnh: NHK).
Trong một tuyên bố, Tập đoàn Mitsubishi - đơn vị phụ trách vụ phóng tên lửa, cho hay: Đã không có vấn đề gì về điều kiện thời tiết, trong khi tất cả các khâu chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng đã được tiến hành, bao gồm cả việc tiếp nhiên liệu. Vì vậy, tên lửa H2A được trang bị radar vệ tinh để giám sát và thu thập thông tin đã được phóng vào không gian lúc 14h24 chiều nay.
Tập đoàn Mitsubishi cũng nhấn mạnh, “radar vệ tinh” được phóng vào không gian lần này có thể chụp ảnh bằng sóng vô tuyến ngay cả vào ban đêm hoặc trong thời tiết xấu, và sẽ là thiết bị kế thừa cho các vệ tinh đã hoạt động trước đó.
Các vệ tinh thu thập thông tin của chính phủ Nhật Bản trên thực tế là các vệ tinh trinh sát có thể chụp ảnh ở bất kỳ vị trí nào trên Trái đất, được sử dụng để dự báo và đánh giá về những thiệt hại trong trường hợp xảy ra thảm họa hoặc thu thập thông tin, dữ liệu về quân sự.
Trước đó vào ngày 9/9, Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đã phải hoãn lại vụ phóng lần thứ 49 đối với tên lửa H2A do thời tiết xấu. H2A - là tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, được Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản và nhà sản xuất chính là Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi đưa lên quỹ đạo kể từ năm 2001, và có tỷ lệ phóng thành công là 97,8%. Trong lần phóng gần nhất diễn ra vào ngày 13/01, tên lửa H2A đã mang theo vệ tinh Kogaku-8, thuộc sở hữu của chính phủ Nhật Bản. Để phát triển vệ tinh này, Nhật Bản đã chi khoảng 40 tỷ yên (tương đương 275 triệu USD).
Hiện nay, Nhật Bản có kế hoạch kết thúc sứ mệnh và dừng sử dụng tên lửa H2A sau khi kết thúc năm tài khóa 2024, với một lần phóng tiếp theo nữa (tức sau lần phóng thứ 50). H2A và H2B sẽ được thay thế bằng tên lửa H3 thế hệ tiếp theo.
Nhật Bản đặt mục tiêu phát triển H3 để sử dụng không chỉ cho mục đích phóng vệ tinh và tàu thăm dò mà còn để tham gia các nhiệm vụ đưa hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Ước tính chi phí chế tạo 1 tên lửa H3 là 5 tỷ yên (37 triệu USD), chỉ bằng một nửa so với chi phí chế tạo H2A, nhưng lại có năng lực phóng vệ tinh cao hơn 1,3 lần.
- Tên lửa thế hệ mới H3 của Nhật Bản phải tự hủy trong lần phóng đầu tiên
- Những hệ thống vũ khí hạt nhân đáng sợ nhất thế giới
- Nhật Bản hoãn phóng tàu thăm dò sao Kim đầu tiên