Nhiệt độ nóng nhất cơ thể con người có thể chịu đựng là bao nhiêu?
Theo các nhà khoa học, nhiệt độ nóng nhất mà cơ thể có thể chịu đựng được phụ thuộc rất nhiều vào độ ẩm của không khí.
Với sự biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt trên toàn cầu như hiện nay, nắng nóng khắc nghiệt trở thành mối đe dọa với sức khỏe. Cơ thể con người kiên cường nhưng nó chỉ chịu đựng được đến một giới hạn nào đó. Vậy nhiệt độ cao nhất mà con người chịu đựng được là bao nhiêu?
Theo một nghiên cứu vào năm 2020 trên tạp chí Science Advances, nhiệt độ bầu ướt giới hạn của con người có thể chịu được là 95 độ F (35 độ C). Nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb temperature) không phải thứ nhiệt độ thông thường bạn hay thấy trên tivi hoặc đọc báo. Nó được đo bằng một nhiệt kế bọc trong miếng vải ngâm nước và tính đến cả nhiệt độ cũng như độ ẩm. Điều quan trọng bạn cần hiểu là khi không khí có độ ẩm cao, mồ hôi sẽ khó bốc hơi khỏi cơ thể để hạ nhiệt cho con người.
Nhiệt độ bầu ướt giới hạn của con người có thể chịu được là 35 độ C.
Colin Raymond, nhà khoa học tại NASA và nghiên cứu về nhiệt độ cực cao cho biết nếu độ ẩm thấp nhưng nhiệt độ cao hoặc ngược lại thì nhiệt độ bầu ướt có thể sẽ không đến gần với điểm giới hạn của cơ thể con người. Tuy nhiên, khi cả nhiệt độ và độ ẩm đều rất cao, nhiệt độ bầu ướt có thể tăng lên mức nguy hiểm.
Ví dụ, khi nhiệt độ không khí là 46,1 độ C và độ ẩm tương đối là 30% thì nhiệt độ bầu ướt chỉ khoảng 30,5 độ C. Tuy nhiên, khi nhiệt độ không khí là 38,9 độ C và độ ẩm tương đối là 77% thì nhiệt độ bầu ướt là khoảng 35 độ C.
Lý do khiến con người không thể sống sót ở nhiệt độ và độ ẩm cùng cao là chúng ta khó điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể. Trả lời LiveScience, Raymond cho biết: 'Nếu nhiệt độ bầu ướt tăng cao hơn nhiệt độ cơ thể, bạn vẫn có thể đổ mồ hôi nhưng không thể làm mát cơ thể đến nhiệt độ cần thiết để hoạt động về mặt sinh lý'.
Khi đó, thân nhiệt trên cơ thể sẽ tăng lên trên 40 độ C. Theo viện y tế quốc gia Mỹ, điều này sẽ dẫn tới các thay đổi về trạng thái tinh thần, không đổ mồ hôi, ngất xỉu và hôn mê.
Mặc dù không ai có thể sống sót ở nhiệt độ bầu ướt cao hơn khoảng 35 độ C nhưng khi chỉ số này thấp hơn cũng có thể gây chết người. Tập thể dục và tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp dễ dẫn tới việc cơ thể trở nên quá nóng. Người cao tuổi, người có tình trạng sức khỏe không ổn định như béo phì... thì khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể cũng giảm đi. Điều này khiến nhiệt độ dễ giết chết họ hơn. Đây là lý do đôi khi con người chết khi nhiệt độ bầu ướt chưa đạt đến 35 độ C.
Đôi khi con người chết khi nhiệt độ bầu ướt chưa đạt đến 35 độ C.
Một điều may mắn cho con người là chúng ta có điều hòa không khí để giúp giải tỏa cái nóng khó chịu. Cùng với đó, có rất ít địa điểm trên thế giới đạt đến nhiệt độ bầu ướt là 35 độ C được ghi lại trong lịch sử. Vào cuối những năm 1980 và 1990, các điểm nóng ở thung lũng sông Indus tại miền trung và bắc Pakistan cũng như bờ nam Vịnh Ba Tư từng trải qua điều kiện nhiệt độ bầu ướt đạt đến giới hạn của con người trong khoảng 1 - 2 giờ.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, với sự nóng lên toàn cầu thì việc nhiệt độ bầu ướt đạt đến ngưỡng giới hạn của con người có thể sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Các địa điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ này trong 30 - 50 năm tới bao gồm tây bắc Mexico, bắc Ấn Độ, Đông Nam Á và Tây Phi.