Nhiều loài cá bị “tăng động”, thay đổi hành vi giao phối vì hóa chất thải xuống biển của con người
Có loài cá trở nên "tăng động" hơn và cũng có những loài cá thay đổi cả hành vi giao phối do hấp thụ phải những hóa chất do con người thải ra theo đường cống xuống đại dương.
Ít người trong chúng ta biết rằng, các hóa chất con người thải xuống biển đang vô tình làm biến đổi "hành vi" của loài cá.
Trong nước thải mà hàng ngày bạn và rất nhiều người khác đang thải xuống đường ống chung, chúng ta không hay biết trong đó có chứa nhiều loại hóa chất khác nhau, từ thuốc đến các hóa chất tẩy rửa,…Tất cả chúng hòa vào tạo nên một hỗn hợp hóa chất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cơ thể của loài cá.
Hồi đầu năm nay, một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Naples công bố cho biết, nồng độ cocain trong một số hệ thống sông nhất định đang khiến loài cá chình trở nên "hiếu động" hơn bao giờ hết. Vào năm 2015, một nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Milwaukee phát hiện thấy, một số loại thuốc trị tiểu đường khiến cá nước ngọt có biểu hiện bị lưỡng tính.
Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash phát hiện thấy, nước có chứa thuốc chữa trầm cảm và căng thẳng Prozac (Fluoxetin) có thể gây ra hậu quả ngoài ý muốn và làm loài cá bị kích dục quá mức.
Theo chuyên trang Vice, tiến sỹ Michael Bertram đã quyết định nghiên cứu tác dụng của hoạt chất fluoxetin đối với một số loài động vật dưới nước. Cụ thể, ông đã thử dùng hai liều thuốc tâm thần với nồng độ thấp và cao trên loài cá ăn muỗi đực (mosquitofish).
Các xét nghiệm ban đầu cho thấy, việc tiếp xúc với fluoxetine ở mức độ hiện nay ngoài môi trường có thể gây ảnh hưởng tới hành vi sinh sản của cá đực và quá trình sản xuất tinh trùng ở cá.
Loài cá ăn muỗi (mosquitofish).
Trong thử nghiệm giao phối, cá ăn muỗi đực bị phơi nhiễm fluoxetine nồng độ cao thực hiện hành vi giao phối với tần suất nhiều hơn so với cá thể đực khác không bị phơi nhiễm hoạt chất này.
Dường như fluoxetine khiến những con cá luôn cảm thấy bí bách khi số lượng tinh trùng của chúng luôn bị quá tải. Các nhà nghiên cứu quan sát thấy, những con cá đực hấp thụ phải nguồn nước có chứa fluoxetine thường xuyên muốn giao phối và dành nhiều thời gian để truy tìm con cái.
Từ đó, Michael suy đoán rằng, những con cá tiếp xúc quá nhiều với fluoxetine đang thể hiện những hành vi khác biệt so với những con cá khác. Ông khẳng định: "Giả sử những con cá đực phơi nhiễm fluoxetine có biểu hiện muốn giao phối với cá thể cái nhiều hơn và số lượng tinh trùng của chúng cũng tăng lên. Điều này cho thấy về bản chất, cá đực sống ở khu vực bị ô nhiễm có thể dễ dàng đảm bảo cho việc thụ tinh".
Nhưng đây không hẳn là tin tốt đối với những con cá ăn muỗi đực có biểu hiện kích dục. Những con cá đực khi bị kích dục quá mức có thể trở nên điên cuồng một cách thái quá và điều này thực sự nguy hiểm nếu chúng gặp phải những kẻ săn mồi.
Loài cá ăn muỗi đực từ lâu đã được biết đến với bản năng tình dục khét tiếng. Chúng luôn săn lùng những con cái để giao phối và khiến "bạn tình" của chúng đôi khi phải "bở hơi tai" để chạy trốn. Nếu chúng bị phơi nhiễm thêm fluoxetine, không rõ dục tính của loài cá này sẽ còn khủng khiếp đến như nào.