Nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc tuyên bố tìm ra thuốc kéo dài tuổi thọ
Nhóm nghiên cứu cho biết hợp chất này được chứng minh có thể kéo dài tuổi thọ, và là liệu pháp tiềm năng để điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và gan nhiễm mỡ.
Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã phát triển một loại thuốc kéo dài tuổi thọ, gây cảm giác đói giả trong tế bào để kích hoạt một loại enzyme điều chỉnh năng lượng, giảm tích trữ chất béo.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là các nhà nghiên cứu từ Đại học Hạ Môn, họ cho biết hợp chất hóa học này được chứng minh có thể kéo dài tuổi thọ, kéo dài thời gian sống của giun và chuột. Ngoài ra, đây cũng là liệu pháp tiềm năng để điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và gan nhiễm mỡ.
Giáo sư Lin Shengcai, nhà sinh học chuyển hóa tại Đại học Hạ Môn, cho biết loại thuốc này được phát triển dựa trên cơ chế của một hình thức nhịn ăn cổ đại của Trung Quốc gọi là bigu, phương pháp này không phải ăn ngũ cốc mà chỉ luyện khí để đạt mục đích giải độc và làm sạch cơ thể. Ngày nay, nó được biết đến nhiều hơn với cái tên nhịn ăn hoặc nhịn đói ngắt quãng.
“Thuốc của chúng tôi bắt chước cơ chế bigu và đã tìm ra chìa khóa để kéo dài tuổi thọ trong việc hạn chế calo và nhịn ăn", nhà khoa học của Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết.
Một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học từ Đại học Hạ Môn cho biết họ đã phát triển một loại thuốc mới để bắt chước sự đói glucose ở cấp độ tế bào. (Ảnh: Shutterstock).
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Nhân dân số 6 Thượng Hải, Đại học Thanh Hoa và Viện Vật lý Hóa học Đại Liên của CAS đã công bố phát hiện của họ trên tạp chí Nature Metabolism được bình duyệt vào ngày 10/10.
Họ phát hiện ra loại thuốc aldometanib đã kéo dài tuổi thọ và thời gian sống khỏe mạnh ở giun đũa nhỏ ở độ tuổi trung bình từ 18 đến 26 ngày và ở chuột ít nhất 7,5%. Loại thuốc aldometanib cũng làm giảm lượng glucose ở chuột và giảm bớt gan nhiễm mỡ và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) - dạng bệnh gan nhiễm mỡ tích cực ở động vật gặm nhấm béo phì.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy sự giảm đáng kể về trọng lượng cơ thể, khối lượng chất béo và thành phần chất béo trong cơ thể ở những con chuột được điều trị bằng aldometanib trong một tháng, trong khi khối lượng nạc của chúng không thay đổi. Trong khi đó quãng đường chạy, thời lượng và độ bám của chuột đã tăng lên đáng kể ở những con chuột được điều trị 1 tuổi.
AMPK là một proteinkinase, có chức năng như một cảm biến năng lượng của tế bào và điều hòa chính cho sự chuyển hóa carbohydrat và lipid thông qua các tác dụng trên tổng hợp cholesterol, oxy hóa các acid béo và trên quá trình tổng hợp glucose ở gan.
Để kích hoạt AMPK, nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển loại thuốc mới bắt chước sự đói glucose ở cấp độ tế bào. Theo Giáo sư Lin, nó hoạt động bằng cách ngăn chặn một dẫn xuất chuyển hóa của glucose liên kết với aldolase - một loại enzyme phân hủy đường để tạo ra năng lượng.
Ngoài ra, thuốc mô phỏng trạng thái đói của các tế bào mà không có sự thay đổi về mức năng lượng trong cơ thể, nên cảm giác đói sẽ không xuất hiện.