Nhựa làm từ thực phẩm: Liệu có phải một ý tưởng hay?
Trước đây, thực phẩm được sử dụng cho một mục đích duy nhất của con người: Ăn và tiêu hóa. Ngày nay, thực phẩm đang được nghiên cứu để đóng một vai trò phức tạp hơn rất nhiều.
Các nhà khoa học, nhà sản xuất và các nhà hoạch định chính sách đang khám phá và hy vọng rằng một ngày nào đó, lương thực thực phẩm sẽ có khả năng loại bỏ sự phụ thuộc của con người vào nguồn nguyên nhiên liệu dầu mỏ đang ngày càng khan hiếm. Trên thực tế, một số nhiên liệu từ thực phẩm như ethanol và biodiesel đang dần dần thay thế gas và dầu diesel trong cuộc sống của chúng ta. Hiện nay, một số nhà khoa học cho rằng, thay vì sử dụng tới hơn 900.000 thùng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên hàng năm để sản xuất nhựa tại Hoa Kỳ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng và phát triển thực phẩm giống như một ngành công nghiệp nhựa "đặc biệt".
Những lợi ích của nhựa thực phẩm
Theo Science Howstuffworks, nhựa thực phẩm có thể được làm từ nhiều nguyên liệu tự nhiên: ngô, mía, v.v…. Sản phẩm này đã phát triển rất nhanh và thông dụng trong nhiều năm trở lại đây. Các túi đựng hàng, các tấm thiệp quà tặng, ốp lưng điện thoại – tất cả đều có thể được tạo nên từ những nguồn nguyên nhiên liệu tự nhiên, hết sức thân thiện với môi trường. Cùng với việc chất lượng của nhựa thực phẩm đang ngày càng tăng lên, chúng sẽ có nhiều ứng dụng rộng và sâu hơn nữa vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người.
Một nhân viên với các hộp nhựa được làm từ thực phẩm tại công ty sản xuất Wilkinson ở Fort Calhoun, Neb. (Nguồn ảnh: AP Photo/Nati Harnik).
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhựa thực phẩm có hai lợi ích vượt trội nếu so sánh với nhựa làm từ dầu mỏ. Thứ nhất, chúng được làm từ các nguyên liệu có thể tái tạo. Miễn là những người nông dân vẫn hàng ngày chăm chỉ trồng cây, nhựa thực phẩm sẽ vẫn được tạo ra, và ngành sản xuất này vẫn sẽ tồn tại được. Thứ hai, nhựa thực phẩm thân thiện hơn với môi trường. Cụ thể, chúng đòi hỏi ít năng lượng để sản xuất hơn so với nhựa truyền thống và thải ra ít khí độc hại hơn trong quá trình sản xuất. Tuyệt hơn nữa, trong điều kiện lý tưởng, chúng sẽ phân hủy thành các thành phần hữu cơ vô hại đối với môi trường.
Và những hạn chế
Tuy vậy, chúng cũng có một vài hạn chế. Điểm hạn chế đầu tiên là chúng có mức nhiệt nóng chảy khá thấp. Các chất liệu nhựa thông thường như polyethylene terephthalate (PET) có mức nhiệt độ nóng chảy khoảng 204 độ C. Trong khi đó, một số nhựa làm từ thực phẩm có thể "chuyển hóa" thành vũng nước chỉ vì chúng bị bỏ quên trong xe hơi vào một ngày trời nắng. Một ví dụ khác: polylactic acid (PLA) – loại nhựa làm từ ngô được sử dụng bởi hãng bán lẻ không lồ Wal-Mart – chỉ có nhiệt độ nóng chảy vào khoảng 46 độ C. Bởi vậy, nhựa thực phẩm không có nhiều ứng dụng trong cuộc sống hiện tại của con người.
Hơn nữa, nhựa thực phẩm có thể không quá thân thiện với môi trường như chúng ta nghĩ. Mặc dù chúng có khả năng phân hủy sinh học, nhưng chúng chỉ phân hủy thành những hợp chất hữu cơ an toàn trong điều kiện lý tưởng (điều kiện này thường chỉ có được trong các nhà máy ủ phân công nghiệp). Điều này có nghĩa bạn không thể vứt nhựa thực phẩm bừa bãi ra vườn rồi hy vọng rằng chúng sẽ phân hủy thành những chất hữu cơ tốt cho đất trồng. Và nếu chúng được vứt bỏ vào bãi rác thải chung, chúng cũng phân hủy chậm như những loại nhựa thông thường khác. Tuy nhựa thực phẩm có thể tái chế, nhưng chúng lại rất khó kết hợp hay trộn lẫn với các loại nhựa tái chế khác. Trên thực tế, ngành công nghiệp tái chế coi nhựa thực phẩm như một "chất gây ô nhiễm" và cần nhiều thời gian cũng như tiền bạc để xử lý chất này.
Một tranh luận khác về hạn chế của nhựa thực phẩm liên quan đến vấn đề nguồn lực và đất đai để có thể sản xuất thực phẩm. Gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính rằng vào năm 2014, gần 1/4 sản lượng ngũ cốc sẽ được sử dụng để tạo ra ethanol và các nguồn nguyên liệu sinh học khác. Nếu nền công nghiệp sản xuất nhựa thực phẩm phát triển mạnh, tỷ lệ này thậm chí có thể còn tăng cao hơn nữa. Các nhà môi trường học cũng lo ngại về những ảnh hưởng độc hại của thuốc trừ sâu và của các dòng cây biến đổi gene nếu chúng được sử dụng để tạo ra nhựa thực phẩm.
Trên thực tế, ngành công nghiệp tái chế coi nhựa thực phẩm như một "chất gây ô nhiễm", cần thời gian để xử lý chất này.
Lời kết
Tuy vậy, không nên từ bỏ ý tưởng tuyệt vời về nhựa thực phẩm này. Dù chúng mới chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ (1%) trong thị trường nhựa hiện tại, nhưng một số công ty lớn trên toàn cầu đã cam kết sẽ cải thiện và sử dụng loại nhựa mới này.
Nhà sản xuất điện tử Panasonic và NEC đều đã công bố về sự phát triển của nhựa thực phẩm với sự cải thiện rõ rệt về độ bền, khả năng chịu nhiệt và sự thuận tiện, dễ dàng trong quá trình sản xuất so với các sản phẩm nhựa thông thường khác trên thị trường. Metabolix – một nhà sản xuất nhựa sinh học khác – đã phát triển một loại nhựa có tên Mirel có khả năng phân hủy sinh học.
Chi phí sản xuất nhựa thực phẩm cũng đang giảm dần. Các ứng dụng thực tế của chất liệu nhựa đặc biệt này cũng đang ngày càng tăng lên đáng kể. Và đó chính là lý do khiến cho chúng trở thành sản phẩm thay thế đầy tiềm năng cho các chất liệu nhựa truyền thống thông thường. Và nếu có một ngày con người chúng ta hoàn toàn cạn kiệt nguồn tài nguyên dầu mỏ, thì nhựa sinh học sẽ là nguồn nguyên liệu chính yếu của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.