Những bí mật về Ai Cập cổ đại được hé lộ năm 2016
2016 là năm đánh dấu nhiều khám phá thú vị đối với nền văn minh Ai Cập cổ đại, từ hình xăm bí ẩn trên da xác ướp đến cỗ máy bảo vệ kim tự tháp.
Nơi an nghỉ của nữ hoàng Nefertiti
Năm 2016, nhiều nghiên cứu được tiến hành bên trong lăng mộ pharaon Tutankhamun kể từ khi các nhà khảo cổ cho rằng lăng mộ chứa một số căn phòng bí mật. Giới nghiên cứu hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt của nữ hoàng Nefertiti tại một trong những căn phòng này, theo International Business Times.
Tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti. (Ảnh: Biography).
Giả thuyết trên lần đầu được công bố trong một nghiên cứu gây tranh cãi của Nicholas Reeves, nhà khảo cổ học tại Đại học Arizona, Mỹ, vào năm 2015. Reeves cho rằng lăng mộ pharaoh Tutankhamun thuộc vương triều Ai Cập thứ 18 chứa hai lối đi bí mật, có khả năng dẫn vào nơi an nghỉ cuối cùng của Nefertiti.
Các nhà khoa học tiến hành nhiều phân tích khác nhau bằng phương pháp quét hồng ngoại và radar bên trong lăng mộ pharaoh Tutankhamun. Nhưng kết quả nghiên cứu chưa thể thuyết phục tất cả các nhà khảo cổ về việc cần khoan xuyên qua các bức tường để khám phá bí mật lăng mộ.
Neferneferuaten Nefertiti (1370-1340 trước Công nguyên) là nữ hoàng nổi tiếng xinh đẹp kết hôn với pharaoh Akhenaten. Sự nổi tiếng của bà chỉ xếp sau nữ hoàng Cleopatra. Vị trí lăng mộ nữ hoàng Nefertiti là một trong những bí mật lớn nhất của ngành Ai Cập học.
Dao găm chế từ thiên thạch của vua Tutankhamun
Pharaoh Tutankhamun, hay còn gọi là vua Tut, thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học trong năm nay khi một con dao găm được tìm thấy bên trong mộ của ông.
Con dao găm chôn cùng pharaon Tutankhamun chứa kim loại có nguồn gốc từ thiên thạch. (Ảnh: Daniela Comelli).
Các nhà nghiên cứu sử dụng tia X và phương pháp phân tích quang phổ huỳnh quang để tìm hiểu thành phần cấu tạo con dao găm. Họ phát hiện hàm lượng niken trên lưỡi dao găm ở mức cao. Tỷ lệ niken và cobalt cho thấy lưỡi dao găm có nguồn gốc từ thiên thạch ngoài Trái Đất. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science cuối tháng 5.
Từ lâu các học giả suy đoán rằng người Ai Cập cổ đại sử dụng kim loại từ thiên thạch để chế tạo đồ vật như vũ khí. Những phân tích về dao găm lấy từ mộ vua Tut là minh chứng mạnh mẽ cho nhận định trên. Nguyên nhân có thể do người Ai Cập cổ đại không biết luyện sắt từ quặng, thay vào đó họ lấy sắt kim loại từ các thiên thạch rơi xuống Trái Đất.
Hình xăm trên xác ướp phụ nữ Ai Cập
Một xác ướp phụ nữ có niên đại 3.000 năm được tìm thấy tại Deir el-Medina, Ai Cập vào năm 2014. Anne Austin, nhà nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học phương Đông của Pháp, phát hiện nhiều hình vẽ tinh vi bằng mực trên cổ xác ướp. Lúc đầu, Austin cho rằng các biểu tượng được vẽ lên da, nhưng sau đó bà nhận thấy chúng thực chất là hình xăm.
Hình xăm những con mắt thần Wadjet trên cổ xác ướp. (Ảnh: Anne Austin).
Đầu năm 2016, Austin cùng với đồng nghiệp Cedric Gobeil chụp X-quang và ảnh hồng ngoại của da xác ướp để thu thập dữ liệu đầy đủ về số hình xăm trên cơ thể người phụ nữ. Xác ướp có khoảng 30 hình xăm phức tạp như đóa sen, bò, khỉ đầu chó và con mắt thần Wadjet. Hình xăm mang tính biểu tượng cho lòng mộ đạo của người chết trong suốt cuộc đời. Xác ướp nhiều khả năng là một nhân vật tôn giáo quan trọng.
"Xác ướp này rất thú vị vì nó có nguồn gốc từ giai đoạn Vương triều mới (New Kingdom) thời Ai Cập cổ đại. Nhiều người cho rằng, trong khoảng thời gian này, phụ nữ mất dần ảnh hưởng trong lĩnh vực tôn giáo. Họ rất hiếm khi được tôn làm nữ tư tế của các nữ thần như Hathor, vị thần là hiện thân của niềm vui, tình yêu và tình mẫu tử. Các hình xăm trên xác ướp này khiến giới khoa học phải thay đổi quan điểm trên", Austin nói.
Quan tài của Quý bà Sattjeni
Dù các nhà khảo cổ chưa phát hiện nơi an nghỉ của nữ hoàng Nefertiti, họ tìm thấy hài cốt của một phụ nữ quyền lực khác gọi là Quý bà Sattjeni, sống vào khoảng năm 1800 trước Công nguyên. Quan tài Quý bà Sattjeni làm bằng gỗ tuyết tùng được phát hiện tại một địa điểm trên bờ sông Nile.
Xác ướp Lady Sattjeni được tìm thấy trong một chiếc quan tài làm bằng gỗ tuyết tùng. (Ảnh: Bộ Cổ vật Ai Cập).
Quý bà Sattjeni là một người khá nổi tiếng trong triều đại thứ 12 thuộc Vương triều giữa (Middle Kingdom) của Ai Cập. Bà là con gái thủ lĩnh vùng Elephantine trong triều đại pharaoh Amenemhat III.
Heqaib III và Ameny-Seneb, hai người con trai của bà, sau này trở thành hai nhà lãnh đạo chủ chốt vùng Elephantine. Đây là một vị trí chiến lược nằm giữa biên giới Ai Cập và Nubian. Vai trò của gia đình Sattjeni rất quan trọng đối với sự mở rộng của Ai Cập.
Cỗ máy bảo vệ bên trong kim tự tháp
Để ngăn chặn mộ của pharaoh bị cướp phá, người Ai Cập cổ đại xây dựng những cỗ máy bên trong kim tự tháp để bảo vệ lăng mộ nhà vua. Mark Lenher, nhà Ai Cập học, sử dụng công nghệ kỹ thuật số để tái hiện hệ thống phòng thủ bên trong Đại kim tự tháp Giza, Ai Cập.
Ba khối đá granite rơi xuống một lối đi để chặn đường vào phòng nhà vua bên trong kim tự tháp. (Ảnh: Science Channel).
Đại kim tự tháp Giza được xây dựng cách đây khoảng 4.500 năm và hoàn thành năm 2560 trước Công nguyên dưới thời pharaoh Khufu thuộc triều đại thứ tư. Một số học giả tin rằng phòng của vua bên trong Đại kim tự tháp Giza chứa thi hài pharaoh Khufu.
Bao quanh phòng của nhà vua là những khối đá dày khoảng 80m. Nhận thấy lối đi chưa được bảo vệ an toàn, thợ xây dựng khắc các rãnh ngay bên ngoài lối vào phòng, ẩn bên dưới tường kim tự tháp. Sau đó, họ đặt những phiến đá granite khổng lồ vào các rãnh, chúng sẽ chặn đứng đường đi của bất kỳ ai muốn tiến sâu vào kim tự tháp.