Những điều cần lưu ý về giãn cách xã hội và cách ly toàn xã hội
Khái niệm “cách ly toàn xã hội” và “giãn cách xã hội” đã được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, là chiếc “chìa khóa vàng” để hạn chế sự bùng phát và lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Tuy đã được sử dụng rộng rãi, nhưng trong một chừng mực nào đó vẫn còn sự tranh luận xoay quanh 2 thuật ngữ trên. Vậy, cách ly xã hội là gì? Giãn cách xã hội là gì? Đâu là những điều cần lưu ý?
Những điều cần biết về giãn cách xã hội và cách ly xã hội
- Cách ly xã hội là gì?
- Sự khác biệt giữa “Quarantine” và “Isolation”Quarantine là gì?
- Tại sao cần thực hiện cách ly xã hội/ y tế?
- Các bước cần thực hiện khi cách ly xã hội
- Khi nào có thể ở gần người khác sau khi nhiễm hoặc có thể đã nhiễm Covid-19?
- Giãn cách xã hội là gì?
- Tại sao cần thực hiện giãn cách xã hội?
- Các biện pháp cần thực hiện khi giãn cách xã hội/ y tế
- Giải đáp những câu hỏi thường gặp về cách ly và giãn cách xã hội
Bài viết được sự tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC.
Giãn cách xã hội và cách ly xã hội để hạn chế sự bùng phát và lây lan dịch bệnh Covid-19.
Cách ly xã hội là gì?
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, ngày 31/03/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19. Theo đó, toàn thể nhân dân thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020, trên phạm vi cả nước theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn bản với thôn bản, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh.
Theo đó, thuật ngữ “cách ly xã hội” trong Chỉ thị số 16/CT-TTg là phương pháp bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, bằng việc giữ khoảng cách trong xã hội để để đối phó với tình huống nguy hiểm như bùng phát dịch bệnh. Giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng chưa phải là phong tỏa xã hội. Trong bối cảnh ấy, không đóng cửa hay dừng hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; các nhà máy vẫn hoạt động nhưng phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động; các cơ quan có thể ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ nhân viên làm việc tại nhà; người dân nên ở nhà chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người; xe cộ được đi lại giữa các tỉnh lân cận nhưng phải khi thật sự cần thiết.
Đối với việc khu trú người bệnh, có hai mức độ được áp dụng tùy hoàn cảnh khác nhau là: “Quarantine” và “Isolation” (Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ).
Sự khác biệt giữa “Quarantine” và “Isolation”Quarantine là gì?
“Quarantine” áp dụng đối với những cá nhân chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh, nhưng trước đó đã có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. “Quarantine” được dùng nhằm giới hạn việc di chuyển của những cá nhân trên với cộng đồng.
Isolation là gì?
Trong khi đó, “Isolation” lại được dùng với những cá nhân đã có dấu hiệu nhiễm bệnh. Isolation là biện pháp để cách ly bệnh nhân, ngăn ngừa sự lây truyền từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác, từ bệnh nhân sang người thân hoặc từ bệnh nhân sang nhân viên y tế.
Vậy điểm khác biệt cơ bản giữa hai thuật ngữ này nằm ở đối tượng cách ly. “Isolation” áp dụng cho những bệnh nhân dương tính với Covid-19, nhằm tách biệt người bệnh với người lành, chặn đứng khả năng lây lan bệnh trong cộng đồng. “Quarantine” lại áp dụng cho những người khỏe mạnh nhưng có thể đã từng tiếp xúc với người bệnh, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Tại sao cần thực hiện cách ly xã hội/ y tế?
Để giải thích cho sự cần thiết của cách ly xã hội, chúng ta có thể giả định tình huống virus xâm lăng khi Robinson ngoài đảo hoang. Trong trường hợp một loại virus đột biến, không biết tên lây từ động vật sang người, nếu đó là Robinson vậy không ai sẽ phải mắc bệnh trừ chính bản thân anh ấy. Khi đó, có hai tình huống có thể xảy ra, sau khi virus xâm nhập vào cơ thể Robinson.
Tình huống thứ nhất, Robinson tử vong vì kháng thể do cơ thể sản xuất không đủ khả năng chống lại virus. Tình huống thứ hai, Robinson khỏi bệnh nhờ vào kháng thể trong cơ thể. Nhưng dù là tình huống nào, chúng ta cũng có thể thấy được virus gây bệnh sẽ không thể tiếp tục phát triển và lây lan, do không tìm được bất cứ sinh vật sống nào trên hoang đảo. Quay lại thực tế, kết quả sẽ hoàn toàn thay đổi nếu người bị nhiễm virus sinh sống ở khu vực đông dân cư. Virus sẽ tiếp tục nhân lên và lây truyền từ người này sang người khác, nếu chúng ta không áp dụng các biện pháp cách ly xã hội.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống VNVC: “Chỉ cần một chút lơi lỏng trong cách ly xã hội, virus sẽ lần theo khe hở đó và tiếp tục gây nên những hậu quả thảm khốc trong cộng đồng. Chính vì vậy, chúng ta cần tuân thủ nghiêm chế độ cách ly xã hội, để chung tay cùng cộng đồng khống chế và ngăn ngừa căn bệnh này”.
Các bước cần thực hiện khi cách ly xã hội
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, bạn cần thực hiện các bước sau:
- Tuyệt đối không rời khỏi nhà trừ khi thật sự cần thiết như cần được chăm sóc y tế. Nghỉ ngơi và chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân, tránh dùng phương tiện giao thông công cộng và không đến các khu vực đông người;
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với những người xung quanh trong thời gian cách ly xã hội. Ở phòng riêng, tránh xa người thân và cả thú cưng trong nhà. Nếu cần tiếp xúc gần với người hoặc thú cưng trong nhà, hãy đeo khẩu trang;
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân và thông báo ngay cho các cơ quan y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng bệnh;
- Đeo khẩu trang, che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh dùng chung đồ dùng cá nhân và đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 2m.
Khi nào có thể ở gần người khác sau khi nhiễm hoặc có thể đã nhiễm Covid-19?
Bất cứ ai từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần ở nhà hoặc nơi tập trung cách ly trong vòng 14 ngày, từ lần phơi nhiễm gần nhất của họ với người người bệnh. Sau thời gian cách ly 14 ngày, bạn cần được thăm khám sức khỏe để chắc chắn rằng bản thân không nhiễm bệnh, trước khi tiếp xúc với bất kỳ cá nhân nào.
Giãn cách xã hội là gì?
Song song với khái niệm “cách ly xã hội”, nhiều người sử dụng “giãn cách xã hội” để thể hiện đầy đủ và chính xác về thuật ngữ “social distancing”. Theo đó, giãn cách xã hội là một nhóm biện pháp nhằm duy trì khoảng cách vật lý giữa người với người, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Khoảng cách vật lý ấy lại được phân làm nhiều cấp độ, từ khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 2m, đến hạn chế tập trung nơi đông người, đóng cửa các cơ quan, hay hạn chế đi lại.
Tại sao cần thực hiện giãn cách xã hội?
Nếu không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội có thể làm quá tải hệ thống Y tế khi dịch bệnh bùng phát. Theo các nghiên cứu dịch tễ học, 1 người nhiễm Covid-19 có thể lây bệnh cho 2 người khác, 2 người nhiễm bệnh có thể lây cho 4 người khác, 4 người nhiễm có thể lây cho 16 người khác. Số lượng người nhiễm bệnh sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân đến một con số mà mọi người không thể tưởng tượng được, nếu không có các biện pháp phòng, tránh, hạn chế lây lan.
Lúc đó, Hệ thống Y tế không có khả năng điều trị cho toàn bộ người nhiễm bệnh. Những hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực sẽ khiến nhiều người bệnh không được điều trị hoặc chậm trễ trong điều trị, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội. Mọi chuyện sẽ hoàn toàn thay đổi nếu chúng ta áp dụng tốt biện pháp giãn cách xã hội:
- Tốc độ lây lan của dịch bệnh sẽ được kiềm hãm;
- Nền y tế sẽ không bị quá tải và mọi người đều sẽ có cơ hội được điều trị;
- Có đủ thời gian để những người đã nhiễm bệnh được điều trị và phục hồi.
Các biện pháp cần thực hiện khi giãn cách xã hội/ y tế
Để chặt đứt mắt xích lây lan của Covid-19, đảm bảo việc giãn cách xã hội phát huy hiệu quả cao nhất, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp sau:
- Giữ khoảng cách an toàn nơi công cộng. Hãy đảm bảo rằng bạn giữ được khoảng cách an toàn tối thiểu 2m khi làm việc trong công sở, xếp hàng tại siêu thị, hay đi dạo tại công viên;
- Hạn chế tụ tập nơi đông người như các dịp lễ, ma chay, cưới hỏi; thay vào đó có thể gọi điện, gọi video, liên hệ với người thân qua mạng xã hội.
Giải đáp những câu hỏi thường gặp về cách ly và giãn cách xã hội
1. Thời gian cách ly kéo dài bao nhiêu ngày?
Ngày cách ly cuối cùng là ngày thứ 14, kể từ lần cuối bạn tiếp xúc với cá nhân dương tính hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19. Nếu đã kết thúc thời gian cách ly 14 ngày, nhưng sau đó bạn lại có tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 (như tiếp xúc với dịch nhầy, dịch tiết từ cơ thể người bệnh; tiếp xúc trong khoảng cách gần hơn 2m; tiếp xúc với người bệnh khi không có dụng cụ bảo vệ hoặc dùng chung đồ đạc với người bệnh) cần phải tiếp tục cách ly thêm 14 ngày. Sau thời gian cách ly, nếu xét nghiệm Covid-19 cho ra kết quả âm tính, bạn không cần phải tiếp tục cách ly.
Nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới trong thời gian qua với sự xuất hiện của những biến chủng mới của SARS-CoV-2, các nhà khoa học phải nghiên cứu, đánh giá lại thời gian ủ bệnh của Covid-19.
“Để đảm bảo an toàn cho cộng đồng tránh được sự lây nhiễm SARS-CoV-2 từ những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh Covid-19, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học và virus học, Bộ Y tế quyết định sẽ kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.
Như vậy, trước mắt thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam sẽ kéo dài 21 ngày thay vì 14 ngày so với trước đây.
2. Cách ly tại Việt Nam có mất tiền không?
Đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài phải trả toàn bộ chi phí cách ly khi nhập cảnh về Việt Nam. Theo đó, trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam có nhu cầu cách ly tại khách sạn, resort, mà không phải cơ sở cách ly tập trung thì phải tự chi trả chi phí về sinh hoạt, ăn, ở. Trong trường hợp người nhập cảnh cách ly tại doanh trại quân đội, hoặc các cơ sở khác do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định làm nơi cách ly tập trung sẽ tự chi trả các khoản chi phí sau:
- Tiền ăn: 80.000 VND/ ngày;
- Tiền sinh hoạt: 40.000 VND/ ngày.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải mua bảo hiểm y tế quốc tế có phạm vi thanh toán, chữa bệnh tại Việt Nam, có thời gian phù hợp với thời gian lưu trú tại Việt Nam. Ngoài ra, tất cả trường hợp nhập cảnh Việt Nam đều phải tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 và tự chi trả chi phí cho cơ sở y tế, theo mức giá hiện hành.
3. Khi nào hết cách ly từ nước ngoài về?
Theo quy định hiện hành về việc nhập cảnh Việt Nam, tất cả nhóm đối tượng phải thực hiện cách ly tại cơ sở cách y tập trung, tại khách sạn, tại nhà hay cơ sở lưu trú,… trong vòng 14 ngày cách ly y tế bắt buộc và theo dõi giám sát sau đó 14 ngày. Hiện vẫn chưa có bất cứ quy định hay văn bản ban hành nào về việc chấm dứt cách ly khi bay từ nước ngoài về Việt Nam.
Cách ly toàn xã hội giúp hạn chế số lần tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus và người bị lây nhiễm, giúp hạn chế nguy cơ dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Người dân cần chấp hành nghiêm cách ly xã hội, theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân, người thân và báo ngay cho các cơ quan y tế khi xuất hiện dấu hiệu bệnh.
- Tăng thời gian cách ly để phá vỡ chuỗi lây truyền của nCoV
- Những địa điểm có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2
- Biến chủng SARS-CoV-2 mới ở Ấn Độ gây tử vong gấp 15 lần