Những loại ký sinh trùng kỳ lạ nhất trong thế giới động vật
Trên Trái đất, có rất nhiều ký sinh trùng kỳ dị và chúng có thể trở thành những cơn ác mộng cho vật chủ của mình.
Top 10 loại ký sinh trùng kỳ quặc trên thế giới
1. Toxoplasma gondii
Toxoplasma gondii là một loại ký sinh trùng trong não lây lan qua phân mèo có thể truyền sang người. Nó có thể khiến con người chăm sóc mèo quá mức bị nhiễm bệnh và gây ra một số chứng rối loạn thần kinh.
Được tìm thấy trên toàn cầu, Toxoplasma gondii (T. gondii) được biết là đã ảnh hưởng đến 50-80% dân số ở một thời điểm nào đó theo các nghiên cứu huyết thanh học. Ở Pháp, tỷ lệ người nhiễm bệnh tập trung cao nhất (84%). Nó có thể ảnh hưởng đến tất cả các loài động vật máu nóng nhưng chỉ có thể nhân lên qua mèo.
Loại ký sinh trùng chết người này được biết là gây ra những thay đổi trong tâm trí con người giống như ở chuột. Khi những con chuột bị nhiễm bệnh sau khi ăn phải noãn bào (con của ký sinh trùng) thải ra trong phân của mèo, loại ký sinh trùng này sẽ khiến cho chúng trở nên liều lĩnh hơn, chậm chạp hơn và trở thành con mồi dễ dàng cho mèo. Tệ hơn nữa, khi nhiễn loại ký sinh trùng này, những con chuột lại bị thu hút bởi mùi của mèo. Ngay cả đối với con người, khi bị nhiễm bệnh cũng nhận thấy mùi nước tiểu mèo “dễ chịu” hơn những người không bị nhiễm bệnh.
Ở người, ký sinh trùng này có thể gây ra một số thay đổi hành vi bệnh lý và rối loạn thần kinh nghiêm trọng như tâm thần phân liệt, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hung hăng và rối loạn lưỡng cực. Ở những người khỏe mạnh, nó gây ra các triệu chứng giống cúm nhẹ, nhưng ở trẻ sơ sinh và bệnh nhân có khả năng miễn dịch yếu, nó có thể gây ra một căn bệnh gọi là “bệnh toxoplasma” có thể gây tử vong. Nó cũng khiến con người yêu thương và chăm sóc mèo của họ nhiều hơn bình thường, và đó là lý do tại sao bệnh toxoplasmosis được mệnh danh là “Hội chứng quý bà mèo điên”. Nó có thể là một lý do tại sao một số người ám ảnh về mèo.
2. Cymothoa exigua
Cymothoa exigua là một loại ký sinh trùng chuyên cắt đứt mạch máu của lưỡi cá và tự nó trở thành một chiếc lưỡi có chức năng mới. Nó là ký sinh trùng duy nhất được biết đến với khả năng thay thế toàn bộ cơ quan trong cơ thể vật chủ.
Còn được gọi là “rận ăn lưỡi”, Cymothoa exigua (C. exigua) xâm nhập vào cơ thể cá thông qua mang của nó. Con đực bám vào vòm bên dưới mang cá và con cái bám vào lưỡi cá. Loại ký sinh trùng dài 8-29 mm này sẽ cắt đứt các mạch máu của lưỡi cá khiến nó bị teo do thiếu máu, cuối cùng khiến nó rơi khỏi miệng. C. exigua sau đó trở thành lưỡi mới của cá, chúng ăn máu và chất nhầy của cá để tồn tại. Khi cá chết, nó sẽ tự tách ra và bám vào bên ngoài cơ thể cá.
Điều gì xảy ra với ký sinh trùng sau đó thì tới nay vẫn chưa có quan sát cụ thể nào. Một đặc điểm nổi bật khác của loài ký sinh này là ngoài việc nó là loài duy nhất được biết đến với khả năng thay thế toàn bộ cơ quan của vật chủ thì chúng còn sở hữu khả năng tự biến đổi giới tính - con đực có thể biến thành con cái khi nó dài 10 mm.
Được tìm thấy ở vùng biển phía nam của Vịnh California đến phía bắc của Vịnh Guayaquil, Ecuador, ký sinh trùng này cũng được tìm thấy ở vùng biển Đại Tây Dương. C. exigua hiện không được cho là loài có hại cho con người.
3. Phronima
Phronima là một loại ký sinh trùng có vẻ ngoài giống như người ngoài hành tinh trong bộ phim Alien (trên thực tế, những sinh vật ngoài hành tinh được lấy cảm hứng từ một loại ký sinh trùng biển sâu trong suốt, ăn thịt các sinh vật khác từ trong ra ngoài và sau đó chiếm lấy cơ thể của chúng để đẻ trứng).
Phronima chính là loại ký sinh trùng làm tăng thêm sức nặng cho câu nói "sự thật còn lạ hơn tiểu thuyết". Trên thực tế, loại ký sinh trùng này đã truyền cảm hứng cho nhiều nhân vật hư cấu trên phim ảnh - loài ngoài Trái đất, là nhân vật phản diện trong loạt phim Alien.
Phronima được tìm thấy ở khắp các đại dương trên thế giới ngoại trừ vùng cực. Con cái thường tấn công salps (một loài động vật phù du), sau đó sử dụng móng vuốt của mình để ăn thịt con vật, tạo thành một lỗ rỗng trên cơ thể con vật xấu số. Sau đó, nó đi vào phần thân rỗng giống như cái thùng của con mồi và bơi trên mặt nước bằng cách sử dụng nó như một phương tiện di chuyển. Sau đó, con cái đẻ trứng và nuôi dưỡng ấu trùng ở ngay bên trong cơ thể của vật chủ. Các đặc điểm cụ thể của Phronima cho tới nay vẫn chưa được hiểu biết sâu rộng vì nó cần được nghiên cứu khi còn sống (điều đó là rất khó), do đó khía cạnh trong cuộc đời của Phronima vẫn là một bí ẩn đối với khoa học.
4. Spinochordodes tellinii
Spinochordodes tellinii là một loại sâu ký sinh phát triển trong cơ thể châu chấu, khi trưởng thành hoàn toàn nó sẽ khiến châu chấu nhảy xuống nước và khiến nó bị chết đuối.
Spinochordodes tellinii (S. tellinii) là một trong những loài giun ký sinh có thể phát triển với kích thước dài gấp 3-4 lần châu chấu vật chủ, xâm nhập vào cơ thể vật chủ dưới dạng ấu trùng thông qua đường ăn uống. Cuối cùng, nhận được chất dinh dưỡng từ châu chấu và dế, chúng sẽ phát triển để kiểm soát hành vi của vật chủ. Chúng khiến cho châu chấu nhảy vào một vùng nước và chết đuối. Nó làm điều này để nó có thể rời khỏi cơ thể của châu chấu và sinh sản trong nước.
5. Naegleria fowleri
Naegleria fowleri là một loại ký sinh trùng nước ngọt có thể xâm nhập vào não người qua khoang mũi khi bơi trong hồ nước ngọt hoặc hồ bơi kém vệ sinh. Ký sinh trùng này sẽ phá hủy mô não của con người và có tỷ lệ tử vong là 97%.
Được biết đến với cái tên “amip ăn não”, Naegleria fowleri là sinh vật sẽ khiến bạn phải suy nghĩ kỹ trước khi nhảy xuống nước để bơi. Được tìm thấy trong các hồ và sông nước ngọt, hay trong các hồ bơi được vệ sinh kém, ký sinh trùng này thường nhắm vào trẻ em và thanh thiếu niên.
Một khi đã mắc bệnh, cơ hội sống sót chỉ là 3%. Nó gây sưng não và khiến vật chủ bị “viêm não màng não nguyên phát”, trong vài ngày nó có thể khiến cho con người tử vong. Tuy nhiên, những trường hợp nhiễm ký sinh trùng này rất hiếm và trong một số trường hợp vẫn có thể được điều trị. Chỉ có 34 trường hợp được báo cáo ở Hoa Kỳ từ năm 2004-2014. Các nhà khoa học lo ngại rằng biến đổi khí hậu có thể giúp loài ký sinh này phát triển mạnh vì chúng phát triển cực mạnh trong các vùng nước ấm.
Naegleria fowleri chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể người khi nước xâm nhập vào bên trong khoang mũi. Nó đi sâu vào dây thần kinh khứu giác dẫn trực tiếp đến não. Sử dụng các cấu trúc giống như chiếc cốc hút của mình, nó ăn vào mô não làm phát sinh các triệu chứng nhiễm trùng đầu tiên - mất khứu giác và vị giác.
Khi nhiễm trùng tiến triển, nó có thể gây ra ảo giác, co giật và lú lẫn. Khi cơ thể chiến đấu chống lại nhiễm trùng, nó gây ra tình trạng viêm và áp lực cực lớn lên hộp sọ, đẩy não xuống dưới, cắt đứt liên kết với tủy sống gây tử vong.
6. Acanthocephala
Acanthocephala là một loại ký sinh trùng khiến cho vật chủ tự tìm đến cái chết, khi tiến vào trong cơ thể vật chủ, chúng sẽ "kích thích" nào và buộc vật chủ phải bơi lên mặt nước để chúng bị vịt ăn thịt.
Còn được gọi là “giun đầu gai”, Acanthocephala có các gai nhọn ở đầu, giúp chúng xuyên qua thành ruột của vật chủ. Vòng đời của chúng rất phức tạp và liên quan đến ít nhất hai vật chủ có thể là động vật có vú, cá, chim hoặc động vật lưỡng cư. Chúng bắt đầu vòng đời của mình bằng cách chiếm giữ cơ thể các động vật có xương sống sống ở các vùng biển hoặc nước ngọt.
Khi bị nhiễm, ký sinh trùng sẽ ảnh hưởng đến hành vi của vật chủ và khiến cho vật chủ bị thu hút bởi ánh sáng và bơi lên mặt nước. Và khi vật chủ bị vịt ăn thịt chúng sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tiếp tục vòng đời của mình trong cơ thể vịt.
Vật chủ tiếp theo sẽ bài tiết trứng của ký sinh trùng qua phân của nó, sau đó được một loài giáp xác hoặc động vật chân đốt khác ăn vào. Nó phát triển khi ở trong cơ thể của vật chủ trung gian và phát triển trưởng thành và giao phối trong cơ thể của vật chủ cuối cùng của nó (vịt).
7. Pleistophora mulleri
Pleistophora mulleri là một loại ký sinh trùng khiến tôm ăn thịt đồng loại nhiều hơn, làm tăng đáng kể khả năng ăn thịt đồng loại và khiến chúng mất ít thời gian hơn để tiêu thụ con mồi.
Loại ký sinh trùng này có thể làm cho tôm bản địa - Gammarus dobeni celticus ăn thịt đồng loại của nó nhiều hơn so với cách ăn thông thường của chúng. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ký sinh trùng này làm tăng đáng kể đặc điểm xấu của giống tôm bản địa và cũng khiến chúng trở nên phàm ăn hơn, đồng thời tiêu thụ con mồi trong thời gian ngắn hơn nhiều so với những con không bị nhiễm bệnh.
8. Nycteribiidae và Streblidae
Nycteribiidae và Streblidae là hai họ của các loài ký sinh trùng kinh hoàng, chúng là những con bọ bám vào đầu dơi và hút máu của nó.
Nếu bạn nghĩ dơi hút máu là một loài động vật đáng sợ thì loài ký sinh trùng mà chúng ta nhắc tới dưới đây còn đáng sợ hơn rất nhiều. Có khoảng 275 loài trong họ Nycteribiidae và 225 loài trong họ Streblidae hút máu dơi. Ruồi dơi thuộc họ Nycterbiidae không có cánh và có hình dạng giống nhện, trong khi những con thuộc họ Streblidae có cánh và có thể bay. Những con ruồi dơi đã tiến hóa qua hàng triệu năm này dành toàn bộ vòng đời của chúng để bám vào cơ thể của những con dơi, đặc biệt là lông và cánh của chúng. Các nhà nghiên cứu tin rằng 20 triệu năm trước khi loài ruồi này tiến hóa, chúng đã tiêu thụ mồ hôi, phân và da chết của dơi. Và vì là loài ký sinh trùng hút máu nên hiển nhiên chúng sẽ bị chết đói khi bị tách khỏi vật chủ - chỉ hai ngày sau khi tách khỏi cơ thể của dơi, chúng sẽ bị chết.
9. Ribeiroia ondatrae
Ribeiroia ondatrae là một trong những loài ký sinh kinh khủng nhất hành tinh. Nó sẽ khiến cho những con ếch bị nhiễm bệnh có một số khuyết tật như nhiều chân nhô ra ở những góc kỳ dị và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của chúng, khiến chúng gặp nguy hiểm trước những kẻ săn mồi.
Là một loại ký sinh trùng giun dẹp, Ribeiroia ondatrae thường lây nhiễm vào bên trong cơ thể của ếch khi chúng vẫn đang trong giai đoạn phát triển các chi và dẫn đến một số khuyết tật ở động vật lưỡng cư như không có chân hoặc nhiều chân bật ra ở những vị trí kỳ lạ trên cơ thể.
Điều này khiến ếch khó di chuyển và dễ bị những kẻ săn mồi ăn thịt. Loại ký sinh trùng này là một mối đe dọa nghiêm trọng vì nó di chuyển liên tục, cũng có thể sinh sống ở những khu vực nơi các loài nguy cấp hoặc bị đe dọa hình thành môi trường sống. Các nhà khoa học đã cố gắng dự đoán những nơi mà những con ký sinh trùng gây dị tật này có thể tồn tại để ngăn chặn những nguy hại thêm cho động vật.
Vòng đời của loại ký sinh trùng này bắt đầu từ một con ốc sên khổng lồ, nơi nó tự nhân bản vô tính, biến con ốc sên thành một "cỗ máy ký sinh". Hàng trăm ký sinh trùng sẽ được ốc nhả ra mỗi đêm để tìm kiếm vật chủ thứ hai của chúng, đó là những con nòng nọc. Nòng nọc lớn lên trở thành một con ếch bị khuyết tật và nhanh chóng bị chim ăn thịt. Những con chim là vật chủ thứ ba. Ký sinh trùng sinh sản bên trong chim, trứng được giải phóng theo phân của chim, và chu kỳ lặp lại.
10. Diplostomum pseudospathaceum
Diplostomum pseudospathaceum là một loại ký sinh trùng sống bên trong nhãn cầu của cá và kiểm soát hành vi của chúng. Khi còn nhỏ, ký sinh trùng này sẽ bảo vệ cá. Nhưng khi nó lớn lên, chúng sẽ tìm đủ mọi cách để giết chết vật chủ của mình.
Diplostomum pseudospathaceum là một loại ký sinh trùng thay đổi hành vi của vật chủ để phù hợp với nhu cầu của nó. Bắt đầu vòng đời của chúng với một con ốc sên, ký sinh trùng sau đó tìm đường vào nhãn cầu của cá bằng cách xuyên qua da của cá trong nước và ẩn náu cho đến khi trưởng thành.
Khi còn nhỏ, nó bảo vệ cá để chúng có thể phát triển, nhưng khi đã trưởng thành, nó sẽ làm mọi cách để bắt cá thay đổi hành vi di chuyển và bị chim ăn thịt để vòng đời của nó tiếp tục bên trong cơ thể chim. Ký sinh trùng giao phối trong đường tiêu hóa của chim và trứng của chúng được thải ra ngoài qua phân như nhiều loại ký sinh trùng khác.
Trong một nghiên cứu năm 2015, nó đã được tiết lộ rằng những con cá bị nhiễm ký sinh trùng chưa trưởng thành bơi chậm hơn những con chưa bị nhiễm khiến chúng ít bị con mồi nhìn thấy hơn. Người ta cũng nhận thấy rằng những con cá bị nhiễm ký sinh trùng trưởng thành bơi tích cực hơn nhiều so với những con không bị nhiễm.