Những ma cà rồng ngoài đời thực
Ở trong lòng nước Mỹ, có một cộng đồng "ma cà rồng" thường xuyên uống máu từ những người sẵn sàng hiến tặng.
Chuyện về cộng đồng ma cà rồng có thực trong cuộc sống
Tại khu phố Pháp ở New Orleans, Louisiana, Mỹ, John Edgar Browning chuẩn bị tham gia "hiến máu". Về mặt thao tác, quá trình này giống như một thủ tục y khoa. Đầu tiên, người bạn mới quen của Browning làm sạch một khoảng nhỏ trên bả vai anh bằng cồn. Tiếp đó, người bạn sử dụng dao cắt dùng một lần để rạch ở vị trí đó và nặn cho đến khi máu bắt đầu chảy ra. Ghé môi vào vết thương, bạn của Browning thưởng thức chất lỏng màu đỏ sẫm. "Anh ta uống máu tôi vài lần, sau đó làm sạch vết thương và băng bó cho tôi", Browning chia sẻ.
Điều khiến Browning kinh ngạc là máu của anh không hợp khẩu vị người bạn. "Anh ta nói máu của tôi không có vị kim loại nên anh ta hơi thất vọng một chút", Browning hồi tưởng. Rõ ràng, việc uống nước và nhóm máu có thể tạo nên sự khác biệt nhỏ ở mùi vị. Sau khi băng bó xong, đôi bạn cùng đến một bữa tiệc từ thiện để ủng hộ những người vô gia cư.
Tự thú nhận mình mắc chứng "sợ kim tiêm", Browning chưa từng nghĩ đến việc hiến máu. "Tôi thực sự sợ khi có vật sắc chạm lên da", Browning nói. Nhưng là một nhà nghiên cứu ở Đại học Louisiana, anh sẵn sàng trải qua quá trình này để thực hiện dự án mới nhất: nghiên cứu cộng đồng "ma cà rồng ngoài đời thực" ở New Orleans.
Cộng đồng ma cà rồng ở New Orleans phát thức ăn cho người vô gia cư trong một sự kiện năm 2013. (Ảnh: New Orleans Vampire Association).
Trước khi gặp gỡ những "ma cà rồng", Browning nghi ngờ họ chỉ lẫn lộn giữa thực tế và ảo tưởng. "Tôi từng cho rằng những người này bị loạn thần và đọc quá nhiều tiểu thuyết", Browning cho biết.
Tuy nhiên, khi bày tỏ ý muốn trở thành một người hiến máu, Browning đã thay đổi ý nghĩ. Nhiều "ma cà rồng" ngoài đời thực không tin vào hiện tượng huyền bí và hầu như chưa hề đọc những cuốn tiểu thuyết liên quan. Họ cũng không mắc bệnh tâm thần. Thay vào đó, họ thừa nhận bản thân mắc một chứng bệnh lạ - mệt mỏi, đau đầu, đau dạ dày nặng - và họ tin cách điều trị duy nhất là uống máu người.
"Chỉ tính riêng ở nước Mỹ, có hàng nghìn người làm điều này, và tôi nghĩ rằng đó không phải là sự trùng hợp hay một thú chơi kỳ cục", Browning nói. Các triệu chứng và hành vi của họ là một bí ẩn thực sự.
Đối với nhiều người, hút máu là điều cấm kỵ. Trong vài thập kỷ qua, hiện tượng hút máu gắn với những tội ác giết người ghê rợn như tên tội phạm Rod Ferrell ở Mỹ, một kẻ giết người ám ảnh bởi trò chơi nhập vai.
"Khi nhắc đến những cá nhân tự nhận là ma cà rồng, những hình ảnh đáng sợ thường xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Bởi vậy, cộng đồng này sống khép kín và thường nghi ngờ người ngoài. Kết quả của sự kỳ thị là những ma cà rồng mà tôi liên lạc qua mạng thường yêu cầu tôi sử dụng biệt danh trong bài viết", DJ Williams, nhà xã hội học tại Đại học Idaho, Mỹ, chia sẻ.
Trong lịch sử, chúng ta có thể tìm thấy những trường hợp máu người được coi như một phương pháp chữa bệnh thực sự. Vào cuối thế kỷ 15, bác sĩ của Giáo hoàng Innocent VIII được cho là đã rút máu ba chàng trai và cho người đàn ông sắp chết này uống dòng máu còn ấm với hy vọng sức trẻ của họ sẽ truyền sang Giáo hoàng.
Ở thời kỳ sau, máu người được sử dụng để trị chứng động kinh. Người bệnh được khuyến khích vây quanh đài hành hình và uống máu ấm nhỏ xuống từ những tội phạm vừa bị xử tử. "Máu là môi trường trung gian giữa linh hồn và thể xác", Richard Sugg, nhà nghiên cứu tại Đại học Durham, lý giải. Theo Sugg, thông qua uống máu của một thanh niên khỏe mạnh, người uống có thể hấp thụ linh hồn của anh ta và chữa lành mọi bệnh tật ảnh hưởng tới tâm trí. Cách trị bệnh này chỉ hết thịnh hành sau thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 17 - 18).
Tuy nhiên, hoạt động uống máu vẫn tồn tại trong một cộng đồng nhỏ. Trước thời đại Internet, họ sống gần như tách biệt. Ngày nay, thông qua những trang web riêng, họ đã phát triển một mạng lưới ngầm rộng khắp. "Hầu hết những thành phố lớn trên thế giới đều có một cộng đồng ma cà rồng", Williams khẳng định.
Do sợ lộ mặt, những cộng đồng này rất khéo lẩn tránh, một rào cản mà Browning gặp phải khi bắt đầu nghiên cứu. "Quần thể dân cư này không muốn bị phát hiện", Browning cho biết. Hiện nay, Browning sống ở Baton Rouge, Louisiana, chỉ cách New Orleans một giờ lái xe. Thành phố New Orleans rất nổi tiếng với văn hóa vùng miền và Browning nhận ra cơ hội để anh gặp gỡ một "ma cà rồng" thực sự ở đây.
Trong lịch sử, máu người được coi như một phương pháp chữa bệnh thực sự. (Ảnh: BBC).
Lang thang ngày đêm trên đường phố, Browning bắt đầu hướng đến những nơi "ma cà rồng" có thể tụ tập. Ngay từ đầu, anh không sợ hãi những người sắp gặp mặt. "Chiều cao 1,93 mét và trọng lượng 100kg thực sự giúp ích", Browning nói. Trên thực tế, điều anh quan tâm nhất không phải là sự an toàn của bản thân mà chính là những ma cà rồng. "Bạn có thể làm họ lộ tẩy, khiến đời sống cá nhân và công việc của họ gặp nguy hiểm", Browning cho biết.
Browning chia sẻ về dự án với một chủ cửa hàng quần áo và người này chỉ về phía người phụ nữ đang đứng cùng hai con ở một gian hàng. Browning rụt rè tiến đến và nói về nghiên cứu với người phụ nữ. "Cuối cùng cô ấy mỉm cười và nói: "Có thể tôi biết vài người'"', Browning nhớ lại. Nhờ sự giúp đỡ của người phụ nữ tên Jennifer, Browning có quan hệ tốt với một nhóm ma cà rồng lớn và thường xuyên phỏng vấn họ.
Càng tìm hiểu sâu, Browning càng phát hiện nhiều khía cạnh và màu sắc tính cách của các ma cà rồng. Tuy một số người đeo răng nanh và ngủ trong quan tài, phần đông không mấy hứng thú với phim ảnh và sách vở. Họ có những công việc khác nhau như phục vụ quán bar, thư ký và ý tá, mộ số người đi nhà thờ trong khi những người khác theo thuyết vô thần. Nhìn chung, họ sống rất vị tha.
"Ma cà rồng không phải luôn luôn lẩn trốn trong các nghĩa trang, tham gia đập phá ở những câu lạc bộ đêm hay say sưa với những bữa tiệc máu. Có những tổ chức ma cà rồng mang thức ăn cho người vô gia cư, tình nguyện trong các nhóm cứu trợ động vật hay chung tay trong mọi dự án xã hội", một ma cà rồng tên Merticus giải thích.
Một số ma cà rồng tìm kiếm năng lượng tâm linh giúp họ tăng cường sức mạnh, những người khác tin rằng họ cần máu đơn thuần vì nhu cầu sinh lý. Khi đặt câu hỏi về sự phát tác của chứng bệnh, Browning phát hiện cơn thèm máu dường như xuất hiện lúc bắt đầu tuổi dậy thì. Ví dụ, một trong số những người đầu tiên mà Browning phỏng vấn nhận ra bản thân luôn cảm thấy ốm yếu, thiếu sức lực để chạy và chơi thể thao ở độ tuổi 13 - 14. Khi chơi đánh nhau, anh ta làm người anh họ chảy máu, miệng anh ta sượt qua vết thương. "Anh ta đột nhiên cảm thấy tràn đầy sinh lực", Browning nói. Mùi vị máu lúc đó thực sự biến thành cơn thèm khát khó cưỡng.
Đó là câu chuyện phổ biến có thể bắt gặp ở hầu hết các ma cà rồng khác. Không chỉ mệt mỏi kéo dài, những triệu chứng thông thường khác bao gồm đau đầu và đau bụng nặng. Ví dụ, một ma cà rồng tên CJ! thường bị quấy rầy bởi chứng kích thích ruột và tình trạng này chỉ chấm dứt sau khi cô uống máu. "Sau khi uống một lượng máu lớn, hệ thống tiêu hóa của chúng tôi lại hoạt động trơn tru", CJ! cho biết.
Kinesia, bạn của CJ! cũng gặp tình trạng tương tự. "Tôi không đi vệ sinh hơn một tuần trong khi đói, và cảm thấy buồn nôn nếu ăn bất cứ thứ gì ngoài máu", Kinesia chia sẻ. "Tôi cảm thấy tốt hơn hẳn sau khi uống máu; tinh thần của tôi trở nên minh mẫn. Tôi có thể ăn bất cứ thứ gì tôi muốn mà không phải chạy vào nhà tắm, không bị đau cơ hay đau khớp. Trạng thái này kéo dài khoảng hai tuần, tùy thuộc vào lượng máu tôi uống và số lần uống".
Việc tìm kiếm người sẵn sàng hiến máu không dễ dàng. CJ! cho biết người hiến máu cho cô thường là bạn bè thân thiết, những người hiểu rõ nhu cầu của cô. Kinesia uống máu của chồng cô hai lần mỗi tuần. Trong trường hợp khác, người hiến máu được trả tiền công. Theo Kinesia, ma cà rồng cần đảm bảo người hiến luôn cảm thấy thoải mái và sẵn sàng.
Bộ dụng cụ rút máu của một ma cà rồng. (Ảnh: BBC).
Bản thân Browning phát hiện, việc rút máu gần với một quá trình y khoa hơn là một niềm say mê. Thông thường, cả người hiến và ma cà rồng cần kiểm tra bệnh truyền nhiễm ở các trung tâm sức khỏe tình dục hoặc trung tâm hiến máu. Để rạch cho máu chảy ra, ma cà rồng sử dụng dao nhíp hoặc xy-lanh dùng một lần. Họ lấy và làm sạch dụng cụ ngay trước mặt người hiến, đồng thời lau gạc trên da trước khi tiến hành cắt. Nếu uống máu trực tiếp từ vết thương, họ sẽ lau sạch môi, đánh răng và súc miệng.
Những ma cà rồng có thể rất hiểu biết về y khoa. Hộp dụng cụ của CJ! bao gồm băng gạc và bơm tiêm. Trước khi lấy máu, cô đưa cho người hiến một con chuột nhỏ bằng cao su để nắm chặt, giúp cho việc tìm tĩnh mạch trở nên dễ dàng hơn. Nếu có điều kiện, các ma cà rồng sẽ lưu trữ phần máu dư trong tủ lạnh sau khi trộn với chất chống đông. Ngoài ra, một số ma cà rồng còn dùng trà và thảo mộc để tạo ra hỗn hợp giúp bảo quản máu lâu hơn.
Sau khi uống máu, các ma cà rồng dường như không chịu bất kỳ tác dụng phụ nào. Mặc dù tiêu thụ một lượng kim loại lớn có thể gây độc, lượng kim loại họ hấp thụ trong một lần uống không tạo thành mối nguy hiểm. "Không có người nào trong số những ma cà rồng mà tôi phỏng vấn phàn nàn về biến chứng của việc uống máu", Browning tiết lộ.
Dù vậy, nhà nghiên cứu Tomas Ganz ở Đại học California, Los Angeles, Mỹ, nhấn mạnh những ma cà rồng không thể tránh được hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. "Kiểm tra ở các phòng khám bệnh lây truyền qua đường tình dục không bao gồm hết mọi loại bệnh có nguy cơ lây nhiễm mà chỉ tập trung vào các căn bệnh thông thường như HIV hoặc viêm gan B và C", Ganz nói.
Các tốt nhất để đánh giá những mối nguy hiểm là nghiên cứu ghi chép khám chữa bệnh. Tuy nhiên, phần lớn các ma cà rồng rất e ngại sự kỳ thị khi kể với bác sĩ hoặc nhân viên xã hội về thói quen của họ. "Một người chúng tôi gặp nói rằng nếu một bác sĩ lâm sàng phát hiện cô ấy là ma cà rồng, họ sẽ đưa con cô ấy đi", BBC dẫn lời Williams, người đang nghiên cứu những ảnh hưởng mà sự kỳ thị có thể tác động đến việc chăm sóc sức khỏe của các ma cà rồng.
Thay vì say sưa với thói quen uống máu, phần lớn các ma cà rồng mà Browning phỏng vấn sẽ chấp nhận từ bỏ nó. Họ nói các bác sĩ không tìm ra cách nào khác để giảm nhẹ những triệu chứng. Tuy nhiên, các ma cà rồng khá thẳng thắn về khả năng những gì họ trải qua là bệnh thần kinh. Vì lý do này, một số người cố gắng ngừng uống máu để xem những triệu chứng có tự mất dần hay không, nhưng không thành công.
Theo Ganz, sự hồi phục nhờ uống máu có thể là hiệu ứng tâm lý. Các bác sĩ vẫn đang tìm hiểu cách bộ não kiểm soát sức khỏe một cách chân thực. "Ăn những chất bột đắng, uống những chất lỏng màu sắc sặc sỡ, hay các thực phẩm có hình dáng, mùi vị khác thức ăn thông thường, có thể đem đến tác dụng trấn an mạnh mẽ. Hiệu ứng này càng được tăng cường nếu quá trình ăn uống có tính nghi thức và cá nhân cảm thấy đặc biệt (như khi uống một loại rượu quý hiếm và đắt tiền)", Ganz cho biết. Ngoài ra, máu có tính bổ dưỡng cao và là một chất nhuận tràng tự nhiên nên nó có thể cung cấp sự hồi phục tạm thời cho các vấn đề tiêu hóa và thần kinh.
Cộng đồng ma cà rồng ngày nay đang trở nên cởi mở hơn với những người bên ngoài, nhờ vậy, các nhà khoa học có thể khám phá vấn đề của họ và rút ra một số lời giải đáp. Dù kết quả như thế nào, những cuộc gặp gỡ đã dạy cho Browning rằng chúng ta nên đối xử với ma cà rồng bằng sự tôn trọng như với các nhóm thiểu số khác. "Khi mới tiến hành nghiên cứu, tôi cho rằng mình sẽ gặp những người lập dị. Nhưng trong vòng một năm, tôi nhận ra những ma cà rồng không hề có vấn đề. Chính chúng ta, những người không phải ma cà rồng, mới đang gặp vấn đề về nhận thức", Browning chia sẻ.
- Sự thật về nguồn gốc của ma cà rồng
- Thị trấn Serbia náo loạn vì cảnh báo ma cà rồng
- Bí ẩn câu chuyện "ma cà rồng" biết điều khiển xác chết