Những "siêu công trình" bị lãng quên vì... đi trước thời đại
Ngay cả những công trình vĩ đại nhất mà thế giới đang có ở thời điểm hiện tại, cũng sẽ dễ dàng bị soán ngôi nếu những siêu dự án đi trước thời đại này được hiện thực hóa!
Hyperbuiding là một “siêu dự án” được đề xuất bởi kiến trúc sư Rem Koolhaas vào năm 1996, nhằm giải quyết vấn nạn bùng nổ dân số cùng với nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao tại thủ đô Bangkok của Thái Lan. Cụ thể, Hyperbuiding sẽ đóng vai trò như một khu đô thị khép kín, với công trình chính là chung cư khổng lồ dành cho 120.000 người (theo tính toán, công trình này chỉ chiếm 3% diện tích so với xây nhà riêng cho 120.000 người). Cùng với chỗ ở, nơi làm việc, khu vui chơi và các dịch vụ tiện ích sẽ được xây dựng bao quanh như các vệ tinh để phục vụ cho nhu cầu của những cư dân ở Hyperbuiding, từ đó giúp giảm nguồn năng lượng phục vụ cho việc di chuyển.
The Illinois được coi là thiết kế ấn tượng nhất của kiến trúc sư bậc thầy Frank Lloyd Wright, từng được ông đề cập trong cuốn sách của mình vào năm 1957. Nếu thực sự được xây dựng “The Illinois” sẽ là một tòa tháp khổng lồ đẹp tuyệt mỹ và trở thành một biểu tượng của thành phố Chicago (Mỹ). Về chức năng, The Illinois sẽ là nơi ở của 100.000 người cùng với đó là phần diện tích đủ cho 20.000 xe hơi và 180 máy bay trực thăng. Thêm một điều tuyệt vời nữa là tòa tháp này sẽ sở hữu một chiếc thang máy có tốc độ lên đến 96 km/giờ. Tuy nhiên, do chi phí dự tính quá lớn nên cho đến thời điểm hiện tại, The Illinois vẫn chỉ nằm trên trang giấy.
Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, công trình có dáng dấp của một kim tự tháp này lại là một ý tưởng được đề xuất để xây dựng tại Nhật Bản. Cụ thể, Kim tự tháp Shimizu sẽ là khu phức hợp nhà ở, công sở, khu mua sắm, dịch vụ cho khoảng 1 triệu nguời, nằm ngay tại vịnh Mexico. Ngoài ra, công trình còn được tính toán để chịu được những cơn bão, động đất, sóng thần (xảy ra khá thường xuyên ở Nhật). Đáng tiếc thay, dù ra đời vào năm 2004 (muộn hơn các công trình ở trên nhiều thập kỷ) nhưng ý tưởng về Kim tự tháp Shimizu vẫn đi trước thời đại quá xa. Và đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm được phương án xây dựng cũng như các loại vật liệu tối ưu để hiện thực hóa đại công trình này.
Các thành phố biết đi - kiến trúc sư Ron Herron – có lẽ là một trong những ý tưởng “vượt thời đại” nhất dành cho đô thị. Ngay từ giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, khi mà máy tính cá nhân còn chưa ra đời, vị kiến trúc sư này đã đề xuất ý tưởng về các khu đô thị khép kín trong một kết cấu dạng kén khổng lồ. Đặc biệt hơn, chiếc kén này sẽ được đặt trên những chiếc chân và sử dụng các loại máy móc tối tân (tương tự như trí tuệ nhân tạo) để di chuyển đến bất kỳ nơi đâu. Ngoài ra, các thành phố biết đi này còn có thể kết nối với nhau để trở thành siêu đô thị!
Thành phố New York của Mỹ, ở thời điểm hiện tại, đã sở hữu cho mình một số lượng khổng lồ những tòa nhà chọc trời nổi tiếng toàn thế giới. Tuy nhiên, tòa nhà ấn tượng nhất có lẽ lại là cái hiện vẫn nằm trên bản vẽ! Công trình được đề cập ở đây chính là khách sạn Attraction của kiến trúc sư Antoni Gaudi (cha đẻ của hàng loạt các công trình độc lạ mang tính biểu tượng). Khách sạn Attraction được Gaudi bắt tay vào thiết kế vào đầu thế kỷ 20, theo đơn đặt hàng của 2 thương gia. Dựa theo bản vẽ này, khách sạn sẽ là tập hợp của các khối nhà hình chóp nón và nổi bật với một ngôi sao khổng lồ ở đỉnh tháp. Nếu được hoàn thành, Attraction có thể sẽ là công trình cao và độc đáo nhất thành phố New York.