Nỗ lực giải cứu kênh đào Panama khỏi hạn hán
Những biện pháp như xây hồ chứa nước và làm mưa nhân tạo đều cần thời gian dài để thực hiện trong khi kênh đào Panama đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán.
Cách vài trăm mét từ những con tàu đồ sộ chở hàng hóa khắp toàn cầu, những gốc cây cằn cỗi nhô lên khỏi mặt nước. Tất cả là dấu tích của khu rừng bị ngập cách đây hơn một thế kỷ để tạo ra kênh đào. Ở đỉnh điểm của mùa khô, việc trông thấy chúng không có gì khác thường. Nhưng hiện nay, sau mùa mưa, đáng lẽ chúng nên chìm hoàn toàn dưới nước. Đó là bằng chứng dễ thấy về tác động của thời tiết khô hạn tới tuyến đường thủy xử lý lượng hàng hóa trị giá 270 tỷ USD một năm, theo Bloomberg.
Kênh đào Panama đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 70 năm. (Ảnh: CGTN).
Cục quản lý kênh đào Panama (PCA) đang cân nhắc những giải pháp tiềm năng bao gồm xây hồ bơm nước vào kênh đào và làm mưa nhân tạo để tăng lượng mưa, nhưng cả hai lựa chọn đều cần nhiều năm để tiến hành nếu khả thi. Với lượng nước hạ thấp 1,8m so với mức thông thường, cục quản lý kênh đào phải hạn chế lượng tàu đi qua. Hạn chế áp dụng cuối năm ngoái là mức ngặt nghèo nhất từ năm 1989. Một số công ty vận tải trả hàng triệu USD để không phải xếp hàng, trong khi nhiều đơn vị khác đi theo lộ trình dài và tốn kém hơn vòng quanh châu Phi hoặc Nam Mỹ.
Mức hạn chế giảm bớt nhờ lượng mưa cao hơn dự kiến vào tháng 11/2023, nhưng với mức 24 tàu/ngày, số lượng tối đa này vẫn thấp hơn nhiều so với công suất trước thời kỳ hạn hán là 38 tàu. Khi mùa khô tới, tình huống sẽ tồi tệ trở lại. Tình trạng của kênh đào phản ánh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới lưu thông thương mại toàn cầu. Hạn hán tạo ra những yếu huyệt trên sông Mississippi ở Mỹ và sông Rhine ở châu Âu. Tại Anh, mực nước biển tăng lên làm tăng nguy cơ ngập lụt dọc sông Thames. Băng tan tạo ra các tuyến đường thủy mới ở Bắc Cực.
Trong hoàn cảnh bình thường, kênh đào Panama giải quyết khoảng 3% khối lượng giao dịch hàng hải toàn cầu và 46% lượng container chuyển từ Đông Bắc Á tới bờ Đông nước Mỹ. Kênh đào này là nguồn thu lớn nhất của Panama, mang về 4,3 tỷ USD trong năm 2022. Để 24 tàu đi qua một ngày trong mùa khô, kênh đào sẽ xả nước từ hồ Alajuela, một hồ chứa nước phụ. Nếu những cơn mưa bắt đầu vào tháng 5, kênh đào có thể tăng lượng lưu thông, theo Erick Córdoba, quản lý nước ở PCA. Nhưng đó chỉ là giải pháp ngắn hạn. Trong dài hạn, giải pháp chủ chốt đối với tình trạng thiếu nước kinh niên là xây đập trên sông Indio, sau đó khoan một đường hầm xuyên núi để dẫn nước ngọt qua 8 km vào hồ Gatún, hồ chứa nước chính của kênh đào.
Cùng với các biện pháp bảo tồn khác, dự án sẽ tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD, Córdoba ước tính. Ông cho biết cần ít nhất 6 năm để xây đập. Công binh Lục quân Mỹ đang tiến hành nghiên cứu về tính khả thi. Hồ chứa nước sông Indio sẽ tăng lượng tàu, đủ để duy trì kênh đào đồng thời cung cấp nguồn nước sạch cho thành phố Panama. Đất nước sẽ cần xây đập trên nhiều con sông hơn để đảm bảo đủ nước tới cuối thế kỷ. Tuy nhiên, việc xúc tiến đề xuất không dễ dàng cho nên cần sự chấp thuận của quốc hội và sự đồng ý của hàng nghìn nông dân cùng người chăn nuôi gia súc, những người đang phản đối kế hoạch do đất đai của họ sẽ bị ngập dưới nước.
Một giải pháp tiềm năng khác mang tính thử nghiệm nhiều hơn. Hồi tháng 11/2023, máy bay nhỏ do công ty Weather Modification Inc ở Bắc Dakota vận hành tới Panama để thử nghiệm làm mưa nhân tạo, quá trình phun những hạt muối lớn vào đám mây để thúc đẩy quá trình ngưng tụ và tạo ra mưa. Nhưng làm mưa nhân tạo chủ yếu được áp dụng thành công trong thời tiết khô, không phải ở nước nhiệt đới như Panama.
Một số công ty vận tải bày tỏ sự bực bội khi PCA chậm chạp xử lý mực nước thấp. "Không có dự án cơ sở hạ tầng lớn nào tiến triển ở Panama nhằm tăng nguồn cung cấp nước sạch", Jeremy Nixon, giám đốc điều hành công ty vận chuyển container Nhật Bản, Ocean Network Express Holdings Ltd. (ONE), chia sẻ.
Biến đổi khí hậu kết hợp mở rộng cơ sở hạ tầng là nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn ở kênh đào. PCA hoàn thành một loạt âu tàu mới để tăng lưu thông và theo kịp kích thước ngày càng lớn của tàu chở hàng. Điều họ không làm là xây dựng một hồ chứa nước mới để bơm đủ nước ngọt, sau đó hạn hán xảy ra. Tính đến tháng 11 vừa qua, 2023 là năm khô hạn nhất trong lịch sử ở đảo Barro Colorado tại hồ Gatún, theo Steve Paton, giám đốc chương trình theo dõi tự nhiên ở Viện nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian.
Ấm lên toàn cầu làm trầm trọng thêm tác động của hiện tượng thời tiết El Niño, đem điều kiện khô hạn tới Panama, dự kiến kéo dài ít nhất tới tháng 3 ở Bắc bán cầu. Hồ Gatún cạn nước nhanh hơn trong mùa khô, và nhiệt độ tăng lên đẩy nhanh sự bay hơi. Năm 2023, gió mậu dịch không yếu khác thường, góp phần vào nhiệt độ nước cao kỷ lục ở vùng ven biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương của Panama. Gió yếu cũng đồng nghĩa với những đám mây mưa không thể trôi tới Gatún. Trong nhiều ngày, mưa trút xuống thành phố Panama trong khi hồ nước nhận được lượng mưa rất ít.
Cuộc khủng hoảng cản trở tuyến đường thủy sẵn có suốt hơn một thế kỷ. Khi bắt đầu hoạt động năm 1914, kênh đào cung cấp lựa chọn thay thế kênh đào Suez, mũi Hảo Vọng và eo biển Magellan để vận chuyển hàng hóa giữa Bắc và Nam bán cầu. Hiện nay, các công ty vận chuyển đang quay lại với cả 3 lựa chọn trên để tránh nút tắc nghẽn ở Panama.
Trong khi Suez là kênh đào ở mực nước biển, Panama là kênh nước ngọt phụ thuộc vào hồ nhân tạo nên dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Jorge Luis Quijano, nhà tư vấn kiêm cựu giám đốc PCA, cho biết có thể mất một năm để hồ nước trở về lưu lượng thông thường. Quijano cho biết ông nhận thấy vấn đề từ cách đây một thập kỷ, khi giám sát việc xây thêm loạt âu tàu mới để chứa tàu lớn hơn qua kênh đào. Âu tàu là kỳ quan kỹ thuật nhưng cũng tiêu hao nhiều nước.
Nước biển trộn lẫn với nước ngọt khi âu tàu hoạt động. Để ngăn nguồn nước di động lớn nhất cả nước là hồ Gatún khỏi bị mặn, kênh đào xả đủ lượng nước hồ để lấp đầy 76 bể bơi Olympic với mỗi tàu. Lưu vực rộng lớn đưa một phần nước trở lại hồ, nhưng do quá trình này làm tăng độ mặn, nó chỉ có thể sử dụng một cách hạn chế. Trước khi nhiệm kỳ kết thúc, Quijano kêu gọi chính phủ bắt đầu xây dựng thêm hồ chứa nước nhưng không thành công.