Nồi áp suất và những điều cần tránh trước nguy cơ thành "quả bom nổ chậm"
Là dụng cụ làm bếp được rất nhiều người Việt ưa chuộng, song nồi áp suất tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
Nồi áp suất là một dụng cụ nấu ăn được sử dụng khá phổ biến trong nhà bếp, trong đó có nhiều gia đình ở Việt Nam cũng đang sử dụng.
Ưu điểm của chiếc nồi này là giúp hầm, làm chín những món ăn cần ninh nhừ trong thời gian ngắn hơn so với thông thường, đồng thời cũng tốn ít nhiên liệu hơn.
Tuy nhiên, dụng cụ nấu nướng này lại tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách.
Nồi áp suất là một dụng cụ nấu ăn được sử dụng khá phổ biến trong nhà bếp.
Mới đây, một sự việc hi hữu đã xảy ra tại Quảng Đông (Trung Quốc) khiến ai xem xong cũng rùng mình. Theo đoạn video được camera ghi lại, một người phụ nữ đang nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa thì bất ngờ một chiếc nồi trên bếp đun ngay gần đó phát nổ.
Cú nổ kinh hoàng khiến cho những mảnh nồi vỡ vụn và bắn ra tung tóe, khói từ trong nồi mù mịt ra xung quanh. Cảnh tượng hãi hùng khiến ai xem xong cũng rùng mình vì sợ hãi.
Cơ chế hoạt động của nồi áp suất
Sở dĩ có tên gọi "nồi áp suất" là bởi nồi này nấu bằng nước ở áp suất cao hơn so với nồi thông thường.
Khi nấu, nồi được vặn kín nắp để hơi nước không thể thoát ra ở một áp suất nhất định đã được chọn.
Lúc này, nước trong nồi đạt tới nhiệt độ cao hơn điểm sôi ở điều kiện tiêu chuẩn, nghĩa là sôi ở nhiệt độ cao hơn 100 độ C.
Khi áp suất lên quá cao, khí sẽ tự động kích hoạt bộ phận van xả để thoát bớt ra bên ngoài qua một lỗ nhỏ bên trên nắp nồi, với mục đích để cân bằng áp suất.
Việc hơi bão hòa và nhiệt độ sôi cao hơn khiến nước thẩm thấu vào thức ăn nhanh hơn, thức ăn mềm nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng nấu cao hơn.
Muốn mở nắp nồi, người ta cần phải xả van cho hết hơi hoặc đặt nồi vào nước lạnh để hơi nước trong nồi ngưng tụ hạ áp suất xuống.
Vì sao cần đặc biệt cảnh giác khi dùng nồi áp suất
Nồi áp suất có thể trở nên vô cùng nguy hiểm nếu dùng không đúng cách.
Như đã đề cập, nồi áp suất thường có một bộ phận đẩy khí nén ra ngoài. Theo đó, lượng khí được đẩy ra bớt để tránh áp suất quá lớn bên trong nồi khi đang đun.
Thế nhưng nếu bằng một cách nào đó, bộ phận thoát khí này bị hỏng, hoặc bên trong nồi chứa quá nhiều thực phẩm, khiến đường thông khí bị bịt kín, thì có thể gây nổ và nguy hiểm tới tính mạng.
Cùng với đó, một sơ suất khá phổ biến khi sử dụng nồi áp suất là chưa xì hết khí nóng bên trong nồi ra nhưng đã mở nồi, khiến cho khí nén bị đẩy ra bất ngờ, gây thương tích và bỏng.
Theo các chuyên gia, với nồi áp suất, người dùng cần hết sức cẩn trọng và sử dụng đúng cách để tránh các hậu quả đáng tiếc.