Nữ tiến sĩ Việt đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu

TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec, được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, nhờ thành tích xuất sắc, khả năng tạo tác động lớn trong lĩnh vực nghiên cứu.

Vượt qua hàng trăm đề cử, TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo, 33 tuổi, là một trong 45 nhà nghiên cứu từ 30 quốc gia trở thành thành viên Hội đồng Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (GYA) năm 2024. Là đại diện duy nhất của Việt Nam, TS Thảo sẽ được vinh danh tại phiên họp thường niên của GYA tại Washington, Mỹ, diễn ra ngày 5-10/5. Trong số 4 nhà khoa học Việt Nam được bầu vào danh sách này các năm qua, TS Thảo là nhà khoa học nữ đầu tiên.

Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu lựa chọn những nhà khoa học trẻ dưới 40 tuổi có thành tích nổi bật từ các quốc gia trên thế giới, sẽ được tham dự Đại hội đồng thường niên GYA hàng năm. Các nhà nghiên cứu được bầu vào GYA phải có thành tích xuất sắc trong chuyên môn, khả năng tạo tác động lớn trong lĩnh vực nghiên cứu, đồng thời hỗ trợ các học giả trẻ, quảng bá khoa học, tham gia tranh luận chính sách và thúc đẩy hợp tác quốc tế và liên ngành.

Với nhiệm kỳ 5 năm, các thành viên ở mỗi quốc gia sẽ tham gia phát triển chính sách khoa học quốc tế, thúc đẩy thành lập các học viện trẻ tại các quốc gia, trao đổi, hỗ trợ giáo dục khoa học ở cấp quốc tế về nhiều chủ đề khác nhau trong đó có liên quan đến các nhà khoa học trẻ.


TS Nguyễn Thị Phương Thảo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Y tế Thế giới, Berlin, Đức năm 2022. (Ảnh: NVCC).

TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo theo đuổi nghiên cứu các lĩnh vực về Y tế công cộng, sức khỏe tâm thần, tâm lý học và trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học. Một trong những công trình nổi bật là ứng dụng quang phổ cận hồng ngoại chức năng (fNIRS) trong chẩn đoán và sàng lọc các rối loạn tâm thần như rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn mệt mỏi, rối loạn tâm trạng và rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân sau đột quỵ. Trong đại dịch Covid-19, TS Thảo còn tham gia các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần, đánh giá tác động của đại dịch đối với tâm lý sinh viên, nhân viên y tế.

TS Thảo tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa, chuyên ngành Y học dự phòng tại Trường Đại học Y Dược Huế năm 2014. Sau đó, cô nhận bằng thạc sĩ Y khoa (năm 2018) và tiến sĩ chuyên ngành Y tế Công cộng tại Trường Đại học Y Hà Nội (năm 2023). Cô xuất bản 16 bài báo khoa học quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín (9 bài báo là tác giả đứng tên đầu). Cô từng nhận nhiều giải thưởng và hiện là Chủ tịch của Viện Hàn lâm Y học tại Việt Nam.

Chia sẻ với PV, TS Thảo rất vui và bất ngờ khi biết là người Việt Nam duy nhất được lựa chọn trong nhiệm kỳ này dù yêu cầu tuyển chọn đòi hỏi rất khắt khe. Cô mô tả đây là "cơ hội tuyệt vời và mong muốn đóng góp vào sứ mệnh của cộng đồng".

Trong số thành viên GYA năm 2024 có 25 nhà khoa học nữ. Cô cho hay bản thân nhận ra trở ngại lớn nhất khi bước vào môi trường học thuật là phụ nữ hơn 30 tuổi có một cậu con trai nhỏ. "Tôi phải đối mặt với thành kiến và định kiến về giới tính và áp lực phải cân bằng trách nhiệm gia đình với việc theo đuổi khoa học", cô chia sẻ.


TS.BS Nguyễn Thị Phương Thảo (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cùng các cộng sự tại khóa học nâng cao về ứng phó dịch bệnh tại Đại học Y khoa São Paulo, Brazil. (Ảnh: NVCC).

GYA thành lập tháng 2/2010, quy tụ những khoa học hàng đầu nhằm tạo ra tiếng nói chung của các nhà khoa học trẻ đối với chính sách phát triển bền vững trên toàn cầu. Viện có tối đa 200 thành viên, được bầu chọn từ những nhà khoa học trẻ (dưới 40 tuổi) có thành tích khoa học xuất sắc từ nhiều quốc gia. Trước đó, Việt Nam có PGS. TS Ngô Văn Thanh (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tham gia năm 2010); PGS.TS Trần Quang Huy, Trường Đại học Phenikaa (năm 2017) và GS. TS Trần Xuân Bách, Trường Đại học Y Hà Nội (năm 2018), được bầu chọn là thành viên.

GYA có trụ sở tại Halle (Đức), được bảo trợ chính bởi Viện hàn lâm Khoa học Leopoldina, Đức và Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức. Hàng năm, thành viên của GYA sẽ được mời tham dự Hội nghị thường niên để họp bàn các vấn đề khoa học cùng những khách mời danh dự là nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Hiện GYA đã thu hút các thành viên đến từ hơn 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất