Núi Chúa ở Ninh Thuận nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Núi Chúa chính thức trở thành một trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận.

Sáng 14/4, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO. Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra hồi tháng 9/2021 tại Nigeria, hồ sơ đề cử được thông qua và chính thức được tổ chức UNESCO công nhận.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, có tổng diện tích 106.646 ha, bao gồm cả rừng, biển, bán sa mạc - nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Với vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, nơi đây sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng.


Hệ thực vật vùng lõi tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, Ninh Thuận. (Ảnh: Huỳnh Văn Truyền)

Núi Chúa là "ngôi nhà chung" của hơn 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN); có 765 loài động vật trong đó 46 loài quý hiếm trong IUCN. Với 40 km đường biển bao quanh, Núi Chúa có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam, trong đó trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển.

Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc được bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt.

Các nhà khoa học đánh giá nơi đây có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm, điều này đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn đặc trưng. Bởi vậy Núi Chúa còn được biết đến với tên là thảo nguyên cây gai "có một không hai" tại Việt Nam.

Nằm trong Núi Chúa còn có vịnh Vĩnh Hy - một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Việc công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy được kỳ vọng góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và văn hóa bản địa của tỉnh Ninh Thuận và Việt Nam với bạn bè quốc tế.


Thềm đá san hô cổ tại Vườn quốc gia Núi Chúa. (Ảnh: Huỳnh Văn Truyền)

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, các chương trình, giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển và các loài động, thực vật quý hiếm đã được triển khai. Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư vào các nghiên cứu, bảo tồn đa dạng theo hướng phát huy giá trị sinh thái thông qua các hình thức như phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng.

11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận

1. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (2000).
2. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (2001).
3. Khu dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng (2004).
4. Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (2004).
5. Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang (2006).
6. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An (2007).
7. Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm (2009).
8. Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau (2009).
9. Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang (Đà Lạt) (2015).
10. Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) (2021)
11. Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng (Gia Lai) (2021).

Các nhà khoa học đề xuất y tưởng khoan "Cổng địa ngục" để dập lửa

Lõi Trái đất đang rò rỉ, "kho báu" 13,8 tỉ năm trước thoát lên mặt đất

Gạo vo kỹ liệu có giảm dinh dưỡng?

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất