Phát hiện 17 kim tự tháp tại Ai Cập bằng vệ tinh
Các nhà khảo cổ phát hiện 17 kim tự tháp tại Ai Cập nhờ phân tích những bức ảnh hồng ngoại do vệ tinh nhân tạo chụp.
BBC cho biết, những bức ảnh hồng ngoại giúp các nhà khảo cổ phát hiện những công trình dưới lòng đất. Trong các cuộc khai quật ban đầu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số công trình, trong đó hai công trình có thể là kim tự tháp.
“Khai quật kim tự tháp là ước mơ của mọi nhà khảo cổ”, tiến sĩ Sarah Parcak - một nhà khảo cổ làm việc cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ tại bang Alabama, Mỹ - phát biểu.
Bên cạnh những kim tự tháp, Parcak và các đồng nghiệp còn tìm thấy hơn 1.000 mộ cổ và hơn 3.000 khu định cư của người Ai Cập cổ đại.
Các kim tự tháp tại Ai Cập. Ảnh: student-sites.net.
Parcak là một trong những người đầu tiên tham gia lĩnh vực khảo cổ không gian – nghĩa là ứng dụng các công nghệ thám hiểm vũ trụ vào hoạt động khảo cổ. Nhóm của bà đã phân tích những bức ảnh hồng ngoại do các vệ tinh nhân tạo chụp tại Ai Cập trong hơn một năm. Những vệ tinh này bay cách mặt đất 700 km. Chúng được trang bị những camera hồng ngoại cực mạnh để có thể phát hiện những vật thể có đường kính nhỏ hơn một mét dưới mặt đất.
Những bức ảnh hồng ngoại cũng giúp các chuyên gia xác định được những loại vật chất tạo nên vật thể. Người Ai Cập cổ đại xây nhà và các công trình khác bằng gạch. Do gạch có độ đặc lớn hơn đất nên hình dạng các ngôi nhà, đền thờ và mộ hiện rõ trong ảnh hồng ngoại. Parcak tin rằng bà sẽ phát hiện thêm nhiều công trình cổ khác.
“Những công trình mà chúng tôi phát hiện nằm sát mặt đất. Còn nhiều công trình khác đang nằm dưới phù sa của sông Nile”, Parcak nói.