Phát hiện 7 loài đỉa mới sống trong trai nước ngọt
Nghiên cứu được công bố hôm 11/11 cho thấy sự liên kết giữa đỉa và trai nước ngọt đã phát triển qua hàng triệu năm.
Một nhóm nghiên cứu về động vật thân mềm, dẫn đầu bởi chuyên gia Arthur Bogan từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên North Carolina, suốt 16 năm qua đã đi đến nhiều khu vực trên thế giới như Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi và Bắc Mỹ để thu thập hơn 3.000 con trai nước ngọt nhằm khám phá những gì tồn tại bên trong sinh vật hai mảnh này. Dự án không chỉ tiết lộ 7 loài đỉa mới mà còn làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về mối quan hệ cộng sinh giữa hai loài.
Vị trí và hình dạng mắt là đặc điểm giúp nhận dạng các loài đỉa mới. (Ảnh: UPI).
Trước đó, sự hiện diện của đỉa bên trong trai nước ngọt đã được ghi nhận từ giữa thế kỷ 19 nhưng chỉ được xem là hiện tượng tình cờ. Nghiên cứu mới cho thấy ít nhất hai trong 7 loài đỉa được phát hiện sống ký sinh bắt buộc trong trai nước ngọt, có nghĩa chúng không thể hoàn thành vòng đời nếu thiếu vật chủ.
Theo Ivan N. Bolotov, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, lối sống ký sinh này là một đặc điểm tiến hóa qua hàng triệu năm. Chọn lọc tự nhiên đã thúc đẩy đỉa bố mẹ thay đổi hành vi chăm sóc trứng và con non, theo đó, việc sinh sản bên trong trai nước ngọt không chỉ cung cấp môi trường ấp trứng mà còn giúp bảo vệ con non sau khi nở khỏi các loài săn mồi.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh các loài đỉa hiện đại với một mẫu vật hóa thạch từ giữa kỷ Tam Điệp và rút ra kết luận chúng là sinh vật tiến hóa chậm. Các phân tích thành phần dạ dày còn cho thấy 7 loài đỉa sống bên trong trai nước ngọt thỉnh thoảng vẫn rời khỏi vật chủ để hút máu cá, đặc biệt là trong giai đoạn trước khi đẻ trứng.
Cùng với động vật lưỡng cư như sa giông và ký giống, trai nước ngọt là một trong những nhóm động vật có tốc độ tuyệt chủng nhanh nhất. Phát hiện mới của nhóm nghiên cứu cho thấy sự suy giảm quần thể loài có tác động tới hệ sinh thái lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của giới khoa học trước đây.